nayphimsex

Kết quả sử dụng phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc vụ Đông Xuân 2020 – 2021 tại Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ

google+

linkedin

Kết quả sử dụng phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc vụ Đông Xuân 2020 – 2021 tại Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ

TS. Nguyễn Thanh Phương1, ThS. Phạm Phú Hưng – GĐ2,

CN. Nguyễn Ngọc Thạch2, CN. Lưu Hữu Phước2, KS. Nguyễn Phúc2, CN. Lê Xuân Biên2

1Nguyên PVT Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB, 2Công ty CP VTKT Nông nghiệp Bình Định

Tóm tắt: Vùng miền Trung và Tây Nguyên là vùng trồng lạc trọng điểm của cả nước và là đối tượng cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao và đóng góp đáng kể trong việc nâng cao sinh kế của người nông dân. Vì thế, các tổ chức khoa học về nông nghiệp ngoài việc chọn tạo giống thì còn nghiên cứu về kỹ thuật canh tác, trong đó nghiên cứu và sản xuất phân bón (dinh dưỡng) cho cây lạc cũng là ưu tiên đặt ra. Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định đã kế thừa kết quả nghiên cứu thực nghiệm, tổ chức sản xuất Phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc NPK9-20-18+4MgO+TE và đã cung ứng thị trường DHNTB và Tây Nguyên. Để minh chứng cho loại phân này, Công ty đã triển khai xây dựng 6 mô hình trình diễn tại 5 huyện của 3 tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) trong vụ Đông xuân 2020-2021 và cho kết quả tốt. Ruộng mô hình sử dụng phân bón NPK 9-20-18+4MgO+TE cho năng suất bình quân đạt 40,5 tạ/ha, vượt hơn đối chứng 16,4% và lãi 59,3 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 43,2%. Khuyến cáo nhân rộng mô hình sử dụng phân bón NPK 9-20-18+4MgO+TE chuyên dùng cây lạc với lượng bón từ 400-500 kg/ha tại những vùng có điều kiện tương tự.

Từ khóa: Cây lạc, phân bón NPK chuyên dùng, phân bón Mặt Trời Mới, vùng Duyên hải Nam Trung bộ, vụ Đông xuân.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Lạc (Arachis hypogaea L.) là cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, làm nguyên liệu quan trọng trong chế biến công nghiệp. Diện tích gieo trồng lạc ở Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) và Tây nguyên khoảng 60.000 ha/năm, chiếm trên 20,0% so với cả nước; ở Bắc Trung bộ là 53.000 ha. Vùng miền Trung và Tây Nguyên là vùng trồng lạc trọng điểm của cả nước và là đối tượng cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao và đóng góp đáng kể trong việc nâng cao sinh kế của người nông dân. Vì thế, các tổ chức khoa học về nông nghiệp ngoài việc chọn tạo giống thì còn nghiên cứu về kỹ thuật canh tác, trong đó nghiên cứu và sản xuất phân bón (dinh dưỡng) cho cây lạc cũng là ưu tiên đặt ra.

Trong những năm gần đây, do thời tiết nắng nóng kéo dài, các hồ chứa nước không cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đã làm giảm diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm. Biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, do đó cần có các biện pháp tái cơ cấu ngành, sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương, chuyển đổi một số diện tích lúa thiếu nước kém hiệu quả hay một số diện tích đất nông nghiệp khó khăn về nguồn nước tưới sang trồng một số loại cây trồng cạn ít sử dụng nước, nhằm sử dụng đất nông nghiệp đạt hiệu quả hơn và giảm thiểu sự thiệt hại do biến đổi khí hậu (thiếu nước, hạn hán) gây ra. Đồng thời đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho nông dân. Xuất phát từ thực tiễn đó, Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định đã kế thừa kết quả nghiên cứu thực nghiệm, tổ chức sản xuất Phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc NPK9-20-18+4MgO+TE và đã cung ứng thị trường DHNTB và Tây Nguyên.

Để đánh giá hiệu quả vụ Đông Xuân năm 2020-2021, Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, HTX Nông nghiệp triển khai mô hình trình diễn phân bón NPK chuyên dùng cho cây lạc nhãn hiệu Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE tại một số tỉnh vùng DHNTB.

Mục đích: Kiểm chứng hiệu lực và bổ sung hoàn chỉnh Hướng dẫn kỹ thuật và khuyến cáo sử dụng Phân bón  Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE chuyên dùng cho cây lạc tại vùng DHNTB.

2. QUY MÔ, ĐỊA ĐIỂM, THỜI GIAN THỰC HIỆN

Bảng 1. Quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện XDMH vụ ĐX 2020-2021 tại một số tỉnh vùng DHNTB

TT Địa điểm Diện tích (m2) Giống Lượng phân/ ha (kg) Số hộ (hộ) Chân đất
1 Quảng Ngãi 2.000     01  
Xã Tịnh Thọ – Sơn Tịnh 2.000 Lạc Lỳ 460 01 Đất thịt trung bình
2 Bình Định 10.500     09  
Xã Bình Thuận – Tây Sơn 4.500 Lạc Lỳ 400 03 Đất cát pha
Xã Mỹ Phong – Phù Mỹ 3.000 Lạc Lỳ 500 03 Đất thịt nhẹ
Xã Cát Lâm – Phù Cát 3.000 Lạc Lỳ 400 03 Đất cát pha
3 Phú Yên 3.300     02  
Xuân Quang 2 – Đồng Xuân 1.300 LDH.01 400 01 Đất thịt nhẹ
Hòa Xuân Tây – Đông Hòa 2.000 TB25 400 01 Đất thịt nhẹ
  Tổng/ Bình quân 15.800   427 12  

3. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN, KỸ THUẬT ÁP DỤNG

3.1. Nội dung

(1) Xây dựng mô hình trình diễn Phân bón Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE chuyên dùng cho cây lạc vụ Đông Xuân 2020 – 2021, gồm các nội dung sau:

– Ruộng mô hình: Sử dụng Phân bón Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE chuyên dùng cho cây lạc

– Ruộng đối chứng: Sử dụng phân bón NPK 20-20-15; Phân đơn (Đạm. lân, Kali), DAP,…

Ngoài ra, phân bón nền còn có phân chuồng hoai, phân lân.

(2) Tổ chức Hội nghị đầu bờ: Đã tổ chức 6 hội nghị; Số lượng 100 đại biểu/ hội nghị; Thành phần: Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, Chi Cục Trồng trọt – Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, Trạm BVTV, Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông, chính quyền địa phương các cấp, HTX Nông nghiệp – DV tại địa phương và các Đại lý Vật tư Nông nghiệp.

3.2. Phương pháp thực hiện

– Theo QCVN của Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành cho cây Lạc QCVN 01-57 :2011/BNNPTNT.

– Quy mô diện tích khảo nghiệm sản xuất và XDMH từ 1.300 – 3.000 m2/ điểm

– Phương pháp theo dõi: Chọn đại diện ruộng sắn ở 3 mức (Xấu, Trung bình, Tốt) cố định điểm theo dõi để lấy số liệu nông học, năng suất và yếu tố cấu thành năng suất. Các chỉ tiêu cần theo dõi và phương pháp theo dõi được thực hiện theo QCVN 01-57 :2011/BNNPTNT đối với cây lạc.

– Sử dụng phương pháp phân tích hiệu quả kinh tế đối với cây trồng để phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình thông qua các tiêu chí sau:

+ Tổng giá trị thu nhập (GR – Gross Return) = Năng suất x Giá bán trung bình;

+ Tổng chi phí lưu động (TVC – Total Variable Cost) = Chi phí vật tư + Chi phí lao động + Chi phí năng lượng + ……

+ Lợi nhuận (NB – Net Benifit) = GR – TVC

+ Tỷ suất doanh thu so với vốn đầu tư (VCR – Variable Cost Return) = GR/TVC

3.3. Một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu áp dụng

 Sử dụng giống Lạc: Lỳ, LDH.01, TB25; giống cấp xác nhận.

–  Lượng giống gieo: 200 kg/ha.

– Mật độ trồng: 18 cm x 20cm x 1 hạt/hốc

– Phương thức gieo trồng: Làm đất, dùng máy gieo hạt điều chỉnh khoảng cách rồi tiến hành gieo theo hàng.

– Trồng dặm: Sau gieo 7 ngày (1-2 lá) tiến hành trồng dặm.

 Bón phân:

+ Bón lót:

Trước gieo 05- 10 ngày:  Bón toàn bộ phân chuồng và 75% lượng vôi

Trước gieo 1-2 ngày: Bón 75% phân bón Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE.

+ Bón thúc: Khi lạc ra hoa rải rác bón toàn bộ vôi còn lại và 25% phân bón Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE còn lại.

Ngoài đa lượng (N, P, K) thì trong phân Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE còn có chứa các thành phần trung, vi lượng (MgO, TE) đáp ứng tốt cho cây lạc sinh trưởng, phát triển mà trong phân đơn, NPK 20-20-15, DAP,… không có được.

* Một số vai trò và tác dụng chính của MgO trong Phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng (NPK 9-20-18 + 4MgO + TE) cho cây trồng nói chung và cây Lạc nói riêng:

– Là thành phần cấu tạo của clorofin, và của các xantofin, caroten, do đó ảnh hưởng đến hoạt động quang hợp và tính chống chịu và chất lượng sản phẩm;

– Ảnh hưởng đến sự tạo thành gluxit, lipit, protit,…;

– Magiê làm tăng tính trương nước của tế bào do đó tăng tính giữ nước của tế bào giúp cho cây chống hạn, giữ được pH thích hợp trong cây giúp cây chịu được chua, …

→ MgO làm tăng hoạt động quang hợp, tăng năng suất, tính tính chống chịu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Magiê giúp cho sự vận chuyển đường bột về các cơ quan dự trữ của cây vì vậy cung cấp đủ Magiê là cho củ hạt nhiều bột, mía nhiều đường, quả ngọt hơn. Magiê làm tăng hiệu quả phân lân và phân đạm, tăng sự tổng hợp protein trong hạt các cây họ đậu, Magiê cần cho sự hình thành chất béo, có lợi cho cây lấy dầu (lạc, vừng, đậu tương, cọ dầu, dừa,…). Magiê cần cho sự hình thành tinh dầu có lợi cho cây lấy tinh dầu (bạc hà, sả, cà phê, chè, ca cao). Magiê cần cho sự hình thành nhựa mủ (cao su, thông nhựa, sơn). Tỷ lệ Magiê cao trong hạt củ quả và thức ăn gia súc làm cho giá trị nuôi dưỡng người và gia súc tăng lên.

4. KẾT QUẢ MÔ HÌNH

4.1. Ảnh hưởng thời tiết đến kết quả mô hình

Tổng hợp tình hình khí tượng các tỉnh vùng DHNTB cho thấy:

– Đầu tháng 01/2021: Nhiệt độ dao động từ 20 – 280C, tương đối thích hợp cho cây lạc đang ở giai đoạn cây con. Có mưa trong thời gian này nên ảnh hưởng đến quá trình mọc mầm của lạc và làm cỏ lần 1 của nông dân.

– Cuối tháng 01/2021 đến cuối tháng 02/2021: Cây lạc ở giai đoạn ra hoa và đâm tia tạo củ. Đây là thời kì cây lạc mẫn cảm nhất với điều kiện ngoại cảnh. Ẩm độ trung bình khoảng 80% thích hợp cho lạc ra hoa và đâm tia tạo củ; với nhiệt độ dao động từ 22 – 280C thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây lạc ở giai đoạn này. Mặt khác, lượng mưa thấp do đó nông dân phải tốn chi phí bơm tưới nước cho lạc trong giai đoạn này.

– Tháng 3/2021 – 4/2021: Cây lạc ở giai đoạn kết trái và chín. Trong tháng 3 – 4/2021, ẩm độ trung bình khoảng 70%, nhiệt độ dao động từ 23 – 300C, cũng tương đối thích hợp cho cây lạc ở giai đoạn kết trái và chín.

4.2. Thời gian sinh trưởng và một số đặc điểm nông học

Bảng 3. Ảnh hưởng của phân bón đến năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất lạc trong vụ ĐX 2020-2021 tại một số tỉnh vùng DHNTB

TT Chỉ tiêu Phú Yên Bình Định Quảng Ngãi  

Trung bình

Tăng/ giảm so Đ/c (%)
Đông Hòa Đồng Xuân Tây Sơn Phù Cát Phù Mỹ Sơn Tịnh
MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c
1 Số cây thực thu/ m2 (cây) 34 31 25 24 26 24 28 25 32 31 28 28 28,8 27,2
2 Số quả chắc/ cây (quả) 16 14 16 13 22 18 19 17 23 19 11.9 9.8 18,0 15,1 +19,2
3 Khối lượng 100 quả (g) 161 161 158 158 150 150 151 151 155 155 138 132 152,2 151,2
4 Tỷ lệ hạt/ quả (%) 73 71 70 66 72 72 70 68 73 70 70 68 71,4 69,3
5 Năng suất thực thu (tạ/ha) 32,9 26,2 31.8 24,8 56,0 50,0 49,6 44,5 46,5 42,3 26,5 23,8 40,5 35,3 +16,4

Từ bảng 3 cho thấy: Ở ruộng mô hình sử dụng phân bón Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE với liều lượng NPK cân đối, hợp lý nên đáp ứng được các giai đoạn sinh trưởng phát triển của nên lạc cho năng suất cao hơn so với ruộng đối chứng khi bón phân NPK 20-20-15, DAP và KCl (bón thừa đạm, thiếu lân). Phân bón chuyên dùng cho cây lạc với tỷ lệ N, P, K và MgO, TE trong phân bón đã ảnh hưởng lớn đến số lượng quả chắc và tăng 19,2% so với ruộng đối chứng.

Số cây thực thu cao hơn đối chứng 1,6 cây/m2, số quả chắc tăng 2,9 quả/cây (tương ứng tăng 19,2%), tỷ lệ hạt/quả đạt 71,4%. Từ đó năng suất khô bình quân trong mô hình đạt 40,5 tạ/ha (hơn 200 kg/sào), vượt hơn đối chứng 5,2 tạ/ha, tương ứng tăng bình quân 16,4%.

Tóm lại, sử dụng phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc cho thấy tình hình sinh trưởng, phát triển và năng suất lạc tại các mô hình đều tăng so với đối chứng.

Bảng 4. Ảnh hưởng của phân bón đến việc xuất hiện một số sâu bệnh hại chính trên cây lạc trong vụ ĐX 2020-2021 tại một số tỉnh vùng DHNTB

TT Chỉ tiêu Phú Yên Bình Định Quảng Ngãi Trung bình Tăng/ giảm so Đ/c (con; câp)
Đông Hòa Đồng Xuân Tây Sơn Phù Cát Phù Mỹ Sơn Tịnh
MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c
1 Sâu khoang (con/m2) 7 10 7 8 7 10 6 10 7 9 3 5 6,2 8,7 -2,5
2 Sâu xám  (con/m2) 6 10 6 8 6 10 7 9 6 8 5,2 7,5 -2,3
3 Sâu xanh (con/m2) 8 12 6 10 8 12 8 11 8 10 6,3 9,2 -2,8
4 Bệnh héo xanh (đ1-3) 1 1 1 3 1 1 1 1 1 1 1 3 1 3 -1
5 Bệnh đốm lá (đ1-9) 3 5 3 3 3 5 3 5 3 5 1 1 3 5 -1
6 Bệnh gỉ sắt (đ1-9) 1 3 1 3 1 3 1 3 1 3 1 3 -1
7 Bệnh thối đen cổ rễ (đ1-3) 1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 0

(*Ghi chú: điểm1: nhiễm nhẹ ;… điểm 9: nhiễm nặng)

Số liệu tổng hợp tại Bảng 4 cho thấy:

Qua theo dõi cho thấy các đối tượng gây hại chủ yếu vào hai giai đoạn chính là khi cây con và thời kỳ cây ra hoa đến lúc quả chắc. Thời kỳ cây mọc mầm đến cây con thường có các đối tượng như sâu khoang, sâu xám, sâu xanh gây hại ở mức độ nhẹ không làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của cây lạc sau này.

Bệnh thối đen cổ rễ gây ra bởi nấm Rhizotonia solani, gây hại ở thời kỳ cây con do mưa nhiều, độ ẩm cao. Bệnh gây hại với tỷ lệ từ 18-22% và đã được chủ ruộng phun thuốc xử lý kịp thời. Bệnh gỉ sắt và đốm lá gây hại từ lúc lạc ra hoa đến khi thu hoạch dao động từ cấp 1 đến cấp 5. Bệnh héo rũ do vi khuẩn Ralstoria solanacearum xuất hiện từ giai đoạn hình thành quả đến quả chắc, mức độ nhiễm nhẹ.

Qua các kết quả thu được cho thấy diễn biến bệnh hại có xu hướng phát triển khi gieo trồng với mật độ trồng dày và bón phân không cân đối, hợp lý. Khi bón phân Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE, hàm lượng trung và vi lượng trong phân cũng giúp cho cây lạc ruộng mô hình ít bị nhiễm sâu bệnh hại hơn so với ruộng đối chứng (sâu giảm từ 2,3 – 2,8 con/m2, bệnh giảm 1 cấp).

4.3. Hiệu quả kinh tế của mô hình

Bảng 5. Hiệu quả kinh tế của mô hình sử dụng Phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc trong vụ ĐX 2020-2021 tại một số tỉnh vùng DHNTB

(Tính cho 1 ha)

                                                                                                                ĐVT: Triệu đồng

TT Chỉ tiêu Phú Yên Bình Định Quảng Ngãi Trung bình Tăng/ giảm so Đ/c (tr.đ; lần) % tăng giảm so Đ/c
Đông Hòa Đồng Xuân Tây Sơn Phù Cát Phù Mỹ Sơn Tịnh
MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c
1 Tổng chi 44,8 46,9 37,0 37,5 71,9 72,3 57,3 57,7 60,1 65,3 43,8 44,2 52,5 54,0 -1,5 -2,8
2 Tổng thu 124,8 99,6 73,1 57,0 140,0 125,0 136,4 122,4 120,9 110,0 75,5 67,8 111,8 97,0 14,8 15,3
3 Lãi ròng 80,0 52,7 36,1 19,4 68,1 52,7 79,1 64,7 60,8 44,7 31,7 23,6 59,3 43,0 16,3 38,0
4 Lãi ròng tăng thêm so Đ/c 27,3 16,7 15,4 14,4 16,1 8,1 16,3 16,3
5 Tỷ lệ lãi ròng tăng thêm (%) 52,0 85,6 29,3 22,3 36,0 34,1 43,2   43,2
6 Tỷ suất lợi nhuận (lần) 1,79 1,12 0,98 0,52 0,95 0,73 1.38 1,12 1,01 0,69 0,73 0,54 1,13 0,80 0,33 42,0

Kết quả tổng hợp Bảng 5 và Đồ thị 1 cho thấy:

– Tổng chi phí bình quân: Đối với ruộng sử dụng phân bón MTM NPK 9-20-18+4MgO+TE có mức tổng chi là 52,5 tr.đ/ha; ruộng Đ/c sử dụng phân đơn và NPK khác là 54 tr.đ/ha, tăng 1,5 tr.đ/ha. Như vậy, chi phí bình quân tại các mô hình giảm hơn Đ/c là 2,8%.

– Tổng thu bình quân: Với ruộng mô hình thu được 111,8 tr.đ/ha, ruộng Đ/c là 97,0 tr.đ/ha. Nhờ năng suất tăng nên tổng thu tăng thêm 14,8 tr.đ/ha

– Lãi bình quân: Với ruộng mô hình thì lãi ròng thu được từ 31,7 – 80,0 tr.đ/ha và lãi bình quân là 59,3 tr.đ/ha, ruộng Đ/c có lãi bình quân là 43,0 tr.đ/ha. Nhờ năng suất tăng 16,4% và chi phí giảm 2,8% nên lãi ròng bình quân tăng thêm 16,3 tr.đ/ha (tương ứng tăng 22,3 – 85,6%) và bình quân tỷ lệ tăng 43,2%.

* Nhìn chung khi sử dụng Phân bón chuyên dùng Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE chi phí mô hình lạc có giảm hơn ruộng đối chứng đồng thời năng suất mô hình cao hơn, do đó hiệu quả kinh tế cũng cao hơn và căn cứ Thông tư số 13/2015/TT-BNNPTNT ngày 25/3/2015 của Bộ NN&PTNT (Về việc Hướng dẫn trình tự, thủ tục công nhận tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới ngành Nông nghiệp và PTNT) thì Phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc trong vụ ĐX tại vùng DHNTB đã minh chứng cho loại phân bón chuyên dùng đạt hiệu quả cao.

5. KẾT QUẢ SẢN XUẤT CÂY LẠC (CÂY ĐẬU) ĐÃ SỬ DỤNG PHÂN BÓN NPK 9-20-18+4MgO+TE CHUYÊN DÙNG

Bảng 6. Số lượng phân bón và diện tích Phân bón Mặt Trời Mới NPK chuyên dùng cho lạc từ năm 2018 đến 2020

TT Loại Phân bón Mặt Trời Mới NPK chuyên dùng Lượng phân bón/ ha (kg/ha) Lượng phân bón đã tiêu thụ (tấn) Diện tích đã sử dụng (ha) Địa phương đã sử dụng

2

NPK 9-20-18 + 4MgO + TE chuyên dùng cho cây lạc 400-500 4.800 9.600 – 12.000 DHNTB (Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi,…) và một số vùng tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ

(Nguồn: Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định, tháng 6/2021)

Từ khảo nghiệm sản xuất, xây dựng mô hình, hội thảo đầu bờ của các mô hình sử dụng Phân bón Mặt Trời Mới NPK chuyên dùng cho cây lạc đã cho kết quả tốt, được người dân, chính quyền, nhà chuyên môn đánh giá cao nên đã đưa vào sản xuất được từ 9.600 – 12.000 ha. Qua đây cho thấy phân bón NPK chuyên dùng cho cây lạc đã từng bước có mặt trên thị trường vùng DHNTB, Tây Nguyên và một số tỉnh ở khu vực phía Nam. (Bảng 6).

Tóm lại, từ kết quả khảo nghiệm sản xuất và xây dựng mô hình thâm canh với Phân bón Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc NPK 9-20-18 + 4MgO + TE tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên trên vùng đất cát, đất lúa thiếu nước (chuyển đổi sang cây trồng cạn) đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nên mở ra triển vọng cho việc phát triển thâm canh cây lạc tại những nơi có điều kiện tương tự ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới.

6. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

6.1. Kết luận

– Phân bón Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE cân đối, hợp lý thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lạc qua các giai đoạn; số lượng quả chắc cao, vỏ quả sáng; hạt to, mẩy, đều.

– Phân bón Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE còn có chứa hàm lượng các chất trung, vi lượng giúp tăng cường khả năng chống chịu của lạc với sâu bệnh hại.

– Ruộng mô hình sử dụng phân bón Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE cho năng suất bình quân đạt 40,5 tạ/ha, vượt hơn đối chứng 5,2 tạ/ha, tương ứng tăng bình quân 16,4%.

– Ruộng mô hình có chi phí sản xuất thấp hơn ruộng đối chứng đồng thời năng suất cao hơn nên hiệu quả kinh tế của ruộng mô hình cũng cao hơn. Ruộng mô hình lãi 59,3 tr.đ/ha cao hơn ruộng đối chứng 16,3 tr.đ/ha, tương ứng tăng 43,2%.

– Về lợi ích khác: Kỹ thuật bón đơn giản, hiệu quả, không cần phải phối trộn thêm bất kỳ loại phân nào khác, phân bón hợp lý nên ít ảnh hưởng đến môi trường. Giá cả hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương.

6.2. Kiến nghị

– Nhân rộng mô hình sử dụng phân bón MTM NPK 9-20-18+4MgO+TE chuyên dùng cây lạc với lượng bón từ 400 – 500 kg/ha tại những vùng có điều kiện tương tự.

– Đề nghị XDMH tại một số một số tỉnh còn lại của vùng DHNTB và Tây Nguyên trên những chân đất khác để khuyến cáo sử dụng./.

Tài liệu tham khảo

    1. Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2011, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống lạc. Ký hiệu: QCVN 01-57: 2011/BNNPTNT.
    2. Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2015, Thông tư số 13/2015/TT-BNNPTNT ngày 25/3/2015 của Bộ NN&PTNT Về việc Hướng dẫn trình tự, thủ tục công nhận tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới ngành Nông nghiệp và PTNT.
    3. Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định, NPK 9-20-18+4MgO+TE (CD cho cây đậu), http://phanbonmattroimoi.com/sanpham/npk-9-20-184mgote-cd-cho-cay-dau/
    4. Cục Trồng trọt, 2021, Báo cáo Sơ kết trồng trọt vụ Đông xuân 2020-2021; Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè thu, vụ Mùa 2021 các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên. (Tháng 4/2021)
    5. HTX Nông nghiệp Mỹ Phong, 2021, Báo cáo kết quả XDMH trình diễn sử dụng phân bón Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc vụ ĐX 2020-2021 tại phường Hòa Xuân Nam – TX Đông Hòa – Phú Yên
    6. Nguyễn Thanh Phương, Phạm Phú Hưng, Lưu Hữu Phước, 2020, Kết quả sản xuất lạc thâm canh với phân bón chuyên dùng Mặt trời mới trong vụ Đông xuân 2019 – 2020 tại xã Cát Hanh, Phù Cát, Bình Định. http://phanbonmattroimoi.com/ket-qua-san-xuat-lac-tham-canh-voi-phan-bon-chuyen-dung-mat-troi-moi-trong-vu-dong-xuan-2019-2020-tai-xa-cat-hanh-phu-cat-binh-dinh/
    7. Nguyễn Thanh Phương, Phạm Phú Hưng, Nguyễn Ngọc Thạch, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Ngọc Hưng, 2021, Báo cáo kết quả XDMH trình diễn sử dụng phân bón Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc vụ ĐX 2020-2021 tại xã Bình Thuận – Tây Sơn – Bình Định. http://phanbonmattroimoi.com/ket-qua-xay-dung-mo-hinh-trinh-dien-phan-bon-npk-mat-troi-moi-chuyen-dung-cho-cay-lac-vu-dong-xuan-2020-2021-tai-xa-binh-thuan-huyen-tay-son-tinh-binh-dinh/
    8. Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, 2021, Báo cáo kết quả XDMH trình diễn sử dụng phân bón Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc vụ ĐX 2020-2021 tại xã Xuân Quang 2 – Đồng Xuân – Phú Yên
    9. Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, 2021, Báo cáo kết quả XDMH trình diễn sử dụng phân bón Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc vụ ĐX 2020-2021 tại phường Hòa Xuân Nam – TX Đông Hòa – Phú Yên.
    10. Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi, 2021, Báo cáo kết quả XDMH trình diễn sử dụng phân bón Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc vụ ĐX 2020-2021 tại xã Tịnh Thọ – Sơn Tịnh – Quảng Ngãi.

    RESULTS OF USING SPECIALIZED NPK FERTILIZER FOR PEANUTS IN THE WINTER SPRING 2020-2021 IN SOUTH COASTAL CENTRAL REGION

Nguyen Thanh Phuong, PhD.1, Pham Phu Hung, MSc – Director2, Nguyen Ngoc Thach, BBA.2, Luu Huu Phuoc, BBA.2, Nguyen Phuc, Eng.2, Le Xuan Bien, BBA.21Former Deputy Director of Agricultural Sciences Institute for Southern Coastal Central of Vietnam, 2Binh Dinh Agricultural Technical Materials Joint Stock Company

Abstract

The Central and Central Highlands regions are the key peanut growing areas of the country and are the main crops, with high economic efficiency and significant contributions to improving farmers’ livelihoods. Therefore, scientific organizations on agriculture, in addition to breeding, also research on farming techniques, in which research and production of fertilizer (nutrition) for peanuts is also a priority. Binhdinh Agricultural Engineering Materials Joint Stock Company has inherited the experimental research results, organized the production of NPK Fertilizer specialized for peanuts NPK9-20-18+4MgO+TE and supplied South Central Coast and Central Highlands markets. To demonstrate this fertilizer, the Company has built 6 demonstration models in 5 districts of 3 provinces (Quangngai, Binhdinh, Phuyen) in the winter-spring crop 2020-2021 and gave good results. The model field using fertilizer NPK9-20-18+4MgO+TE gave an average yield of 40.5 quintals/ha, 16.4% higher than the control and a profit of 59.3 million VND/ha, higher control field 43.2%. It is recommended to replicate the model of using fertilizer NPK9-20-18+4MgO+TE specifically for peanuts with a fertilizer rate of 400-500 kg/ha in areas with similar conditions.Keywords: Peanuts, special-purpose NPK fertilizer, Mat Troi Moi fertilizer, South Coastal Central region, winter-spring crop

BÀI VIẾT QUA CÁC NĂM