Kết quả sản xuất lạc thâm canh với phân bón chuyên dùng Mặt trời mới trong vụ Đông xuân 2019 – 2020 tại xã Cát Hanh, Phù Cát, Bình Định
Kết quả sản xuất lạc thâm canh với phân bón chuyên dùng Mặt trời mới trong vụ Đông xuân 2019 – 2020 tại xã Cát Hanh, Phù Cát, Bình Định
- Nguyễn Thanh Phương (Nguyên PVT – Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB);
- Lưu Hữu Phước (Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định)
Lạc (Arachis hypogaea L.) là cây công nghiệp ngắn ngày, là cây thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, làm nguyên liệu quan trọng trong chế biến công nghiệp. Cây lạc thích hợp trên các loại đất cao thoát nước có thành phần cơ giới nhẹ, như cát pha, thịt nhẹ tơi xốp, lạc cũng là cây trồng ưa ấm nhất là giai đoạn trổ hoa, đậu quả nhiệt độ thích hợp 22 – 300 C. Phù Cát là một trong những huyện có diện tích trồng lạc lớn và cho năng suất, hiệu quả cao của tỉnh Bình Định và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Để thâm canh lạc cho năng suất và đạt hiệu quả kinh tế cao cần phải nắm bắt yêu cầu dinh dưỡng của cây lạc.
(1) Yêu cầu về đạm
– Vai trò của phân đạm đối với cây lạc: Đạm là yếu tố dinh dưỡng quyết định đến sinh trưởng của cây lạc, thiếu đạm cây có biểu hiện lá vàng, sinh trưởng kém, thân lạc còi cọc, phân cành ít, ít hoa, ít quả, trọng lượng quả giảm, năng suất thấp thậm chí không cho thu hoạch.
– Các nguồn dinh dưỡng đạm của cây lạc:
+ Đạm sinh học: Do vi sinh vật cộng sinh cung cấp, nguồn đạm này có thể cung cấp 2/3 tổng lượng đạm mà cây cần. Tuy nhiên nguồn đạm này cung cấp nhiều vào thời kì ra hoa, làm quả, trước thời kỳ 3 lá chưa có.
+ Nguồn đạm có sẵn ở trong đất, tùy thuộc vào loại đất trồng.
+ Do bón vào (dạng phân hữu cơ hoặc phân khoáng)
Thời kỳ cây hấp thụ đạm nhiều nhất là thời kỳ ra hoa, làm quả kết hạt. Thời kỳ này chỉ chiếm 20 – 25% thời gian sinh trưởng nhưng hấp thu từ 40 – 50% tổng lượng đạm.
– Tùy theo giống, đất đai, thời vụ và phương thức gieo trồng…bình quân 1ha lạc cần bón thêm từ: 40 – 50 kg đạm urê, trong trường hợp đất xấu bón 60 – 70 kg. Nên bón làm 2 lần: Lần 1: bón sớm khi lạc mới có 2 – 3 lá kép; lần 2: bón khi lạc ra hoa.
(2) Yêu cầu về lân
– Vai trò của lân: (i) Kích thích cho bộ rễ phát triển, do đó tạo được nhiều nốt sần; (ii) Kích thích phân nhánh, phân cành nhiều, tăng tính chống chịu; (iii) Là nguyên tố cung cấp và trao đổi năng lượng rất cần thiết cho quá trình tổng hợp, chuyển hóa các chất ở trong cây.
– Nhu cầu lân của lạc:
+ Khả năng hấp thụ lân của lạc kém, do đó lượng lân bón cho lạc tương đối cao, tùy theo đất, giống và thời vụ gieo trồng có thể bón bổ sung từ 400 – 450 kg supe lân cho 1 ha lạc.
+ Lạc hấp thu lân nhiều nhất vào thời kỳ ra hoa và thời kỳ hình thành quả, chiếm 45% tổng lượng lân mà cây cần. Thời kỳ sinh trưởng đầu lạc cũng cần nhiều lân.
+ Do phân lân có hiệu quả chậm, vì vậy nên bón sớm chủ yếu là bón lót.
(3) Yêu cầu về Kali
– Vai trò của kali: (i) Kali không trực tiếp tham gia vào thành phần cấu tạo của cây, nhưng có vai trò là chất điều chỉnh và xúc tác cho các quá trình trao đổi chất trong cây; (ii) Vai trò quan trọng nhất của kali là xúc tiến quang hợp và tổng hợp các chất quan trọng ở trong cây; (iii) Kali làm tăng độ cứng cây, hạn chế xâm nhập của sâu bệnh, tăng tính chống rét, khô hạn; nhất là thời kỳ cây non.
– Nhu cầu kali của lạc chủ yếu vào thời kỳ đầu.
– Tùy theo đất, giống và thời vụ gieo trồng có thể bón bổ sung từ 80 – 120 kg kali clorua cho 1 ha lạc.
– Nên bón sớm trước thời kỳ ra hoa (60% nhu cầu kali được hấp thu vào thời kỳ ra hoa, làm quả)
(4) Yêu cầu về can xi (Ca; vôi)
– Vai trò của canxi đối với lạc: (i) Điều chỉnh độ chua của đất để tạo ra môi trường thích hợp cho rễ và vi khuẩn nốt sần hoạt động; (ii) Là nguyên tố dinh dưỡng cho cây; (iii) Nếu thiếu Ca thì vỏ quả lạc không hình thành được, vỏ quả bị giòn; (iv) Chống lốp đổ cho cây; (v) Làm tăng khả năng hấp thu đạm của rễ, xúc tiến sự chuyển đạm từ thân lá về hạt để tăng chất lượng hạt; (v) Ngăn ngừa các chất gây độc cho cây.
– Bản thân tia và quả lạc có khả năng hút được Ca, do đó bón vôi bột gần tia và quả là rất tốt.
– Kỹ thuật bón: Nên bón lót vôi cùng với phân chuồng; bón thúc vào thời kỳ lạc ra hoa – hoa rộ.
(5) Yêu cầu một số chất dinh dưỡng khác
Ngoài các chất dinh dưỡng cần với số lượng lớn nêu trên, trong quá trình sinh trưởng phát triển cây lạc còn cần một số các chất dinh dưỡng quan trọng khác như:
– Lưu huỳnh (S): (i) Là thành phần của một số axit amin cấu tạo nên protein; (ii) Kéo dài thời gian ra hoa của lạc, do đó bón đạm sunfat tốt hơn urê.
– Magiê (MgO): Có trong thành phần diệp lục, do đó có tác dụng tốt đối với sự hình thành diệp lục và quang hợp cho cây. Magiê giúp cho cây tăng hiệu suất quang hợp, điều chỉnh màu sắc lá xanh đậm sáng bóng, bản lá dày, thân cành mập, MgO còn giúp cho sự hình thành tốt nốt sần. Khi phân tích các nốt sần của cây lạc thấy rằng MgO tỷ lệ rất cao, nốt sần nhiều thì MgO cũng nhiều và ngược lại.
– Có thể bón thêm phân vi lượng có chứa các chất như: Mo, Bo, Cu, Zn… (TE) Phun từ 1-2 lần vào thời kì lạc ra hoa.
Ngoài ra, có thể bón phân vi khuẩn đối với vùng đất chưa trồng lạc bao giờ, đất nghèo vi khuẩn nốt sần.
So sánh với yêu cầu dinh dưỡng cho cây lạc thì Phân bón Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây đậu NPK 9-20-18 + 4MgO + TE do Nhà máy Phân bón Long Mỹ (thuộc Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định) ngoài các nguyên tố đa lượng N, P, K còn có MgO và vi lượng (TE). Khi phân tích lá, quả đều cho thấy nguyên tố vi lượng có trong các mô, các tế bào, các sản phẩm hạt. Sử dụng phân bón Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây đậu có chứa đầy đủ các loại vi lượng (như bo, kẽm, sắt, đồng, mangan,…) nên năng suất và chất lượng lạc được nâng cao.
Để khai thác được tiềm năng năng suất của cây lạc thì liều lượng và kỹ thuật bón phân Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây đậu NPK 9-20-18 + 4MgO + TE như sau:
Bảng 1. Lượng Phân bón Mặt trời mới chuyên dùng cho 1 ha lạc trồng thâm canh
TT | Loại phân | Đơn vị tính | Số lượng | Bón lót | Bón thúc cho lạc |
1 | Phân chuồng | Tấn | 6-8 | 6-8 | 0 |
2 | Vôi bột | Kg | 400 | 400 | 0 |
3 | Vôi hạt | Kg | 160 – 180 | 160 – 180 | |
4 | NPK 9-20-18 + 4MgO + TE (Phân bón Mặt trời mới chuyên dùng cho cây đậu) |
Kg |
350 – 400 | 175 – 200 | 175 – 200 |
Ghi chú: Với 350-400 kg NPK 9-20-18+4MgO+TE thì tương đương 68-78 kg Đạm Urê + 438-500 kg Lân + 105-120 kg KCl và Mg + vi lượng (TE).
Trong 3 năm qua, Phân bón Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây đậu NPK 9-20-18 + 4MgO + TE đã được nông dân các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ, đặc biệt là nông dân xã Cát Hanh – Phù Cát – Bình Định đưa vào sản xuất 250 ha, năng suất bình quân từ 50 – 55 tạ/ha (250 – 275 kg/sào; sào: 500 m2), cá biệt có hộ trong 3 năm liền đạt từ 55 – 60 tạ/ha (275 – 300 kg/sào) như hộ ông Nguyễn Văn Vũ, ông Võ Văn Nam tại HTX Nông nghiệp Cát Hanh 2. Trong vụ Đông xuân 2019-2020, hộ ông Nguyễn Văn Vũ trồng 01 ha, gieo giống lạc Sẻ với năng suất trên 55 tạ/ha và cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể lãi ròng đạt 81,155 triệu đồng/ha/vụ vượt hơn so với sản xuất ngoài mô hình (ruộng đối chứng chỉ sử dụng NPK thông thường hoặc sử dụng phân đơn) là 29,750 triệu đồng/ha/vụ tương ứng tỷ lệ tăng 58%, giá trị ngày công đạt 475 ngàn đồng/ công tăng 39,7% so với sản xuất lạc ngoài mô hình. (Bảng 2)
Ngoài ra, với phụ phẩm từ thân lá, rễ lạc thu được 5 – 7 tấn/ha cùng với rơm rạ từ 8 sào lúa (4.000 m2 ruộng lúa) đủ thức ăn để chăn nuôi 4 con bò (thu nhập từ 5 – 7 triệu/con bò) và điều quan trọng là tận thu được lượng phân chuồng để bón cho cây lạc trong mùa tiếp theo.
Bảng 2. Hiệu quả kinh tế của mô hình sử dụng phân bón Mặt trời mới chuyên dùng trong thâm canh lạc vụ Đông xuân 2019-2020 tại Cát Hanh – Phù Cát – Bình Định
TT | Nội dung | ĐVT | Số lượng | Đơn giá (1.000 đ) | Mô hình sử dụng Phân bón Mặt Trời Mới cho cây Lạc* | Lạc trồng thuần ngoài mô hình (Đối chứng) |
I | Tổng chi phí (đ) | 45.345 | 45.195 | |||
1 | Giống | kg | 200 | 32 | 6.400 | 6.400 |
2 | Vật tư | 9.820 | 9.670 | |||
– Vôi | kg | 500 | 1,5 | 750 | 750 | |
– Phân chuồng | kg | 5.000 | 1 | 5.000 | 5.000 | |
– Phân vô cơ | 4.070 | 3.920 | ||||
+ Đạm Urê | kg | 60 | 8 | 480 | ||
+ Lân | kg | 600 | 4 | 2.400 | ||
+ Kali clorua | kg | 130 | 8 | 1.040 | ||
+ NPK9-20-18 + 4MgO + TE chuyên dùng cây Lạc | kg | 370 | 11 | 4.070 | ||
3 | Thuốc BVTV, thuốc cỏ, kích thích sinh trưởng | 1 | 3.500 | 3.500 | 3.500 | |
4 | Tưới nước (điện tưới nước: 12 lần/vụ x 12 Kwh/lần = 144 kwh) | kwh | 144 | 1,7 | 245 | 245 |
5 | Chi phí làm đất (cày, phay, bừa) | ha | 1 | 1.600 | 1.600 | 1.600 |
6 | Công lao động | 221 | 23.780 | 23.780 | ||
– Gieo hạt (3 triệu đồng/ha tương ứng 17 công/ha | 17 | 180 | 3.060 | 3.060 | ||
– Tưới nước (12 lần/vụ x 2 công/lần/ ha = 24 công) | công | 24 | 180 | 4.320 | 4.320 | |
– Phun thuốc (10 bình/ha/lần x 10 lần/vụ = 100 bình/ha/vụ) | bình | 100 | 20 | 2.000 | 2.000 | |
– Thu hoạch (nhổ, vận chuyển, tuốt quả): 4 công/sào | ha | 80 | 180 | 14.400 | 14.400 | |
II | Tổng thu (1.000 đ) | 126.500 | 96.600 | |||
– Năng suất (kg/ha) | kg | 5.500 | 4.200 | |||
– Giá bán (1.000 đ/kg) | 23 | 23 | ||||
III | Hiệu quả kinh tế | |||||
1 | Thu nhập thuần (1.000 đ) (Lãi ròng + Chi phí công lao động của chủ hộ) | 104.935 | 75.185 | |||
2 | Lãi ròng (1.000 đ) (I-II) | 81.155 | 51.405 | |||
3 | Tỷ suất lợi nhuận (lần) | 1,8 | 1,1 | |||
4 | Lãi ròng tăng thêm so với ngoài mô hình (1.000 đ) | 29.750 | 0 | |||
5 | Tỷ lệ lãi ròng so với ngoài mô hình (%) | 158 | 100 | |||
6 | Giá trị ngày công
(1.000 đ/công) |
475 | 340 |
Ghi chú: * Hộ ông Nguyễn Văn Vũ, quy mô diện tích 01 ha.
Tóm lại, từ mô hình thâm canh lạc với Phân bón Mặt trời mới chuyên dùng cho cây đậu NPK 9-20-18 + 4MgO + TE trên vùng đất cát pha tại xã Cát Hanh – Phù Cát – Bình Định đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nên mở ra triển vọng cho việc phát triển thâm canh lạc tại những nơi có điều kiện tương tự ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ trong thời gian tới.