MÔ HÌNH XÁC ĐỊNH HIỆU QUẢ CỦA CHẾ PHẨM NANO TRÊN PHÂN BÓN NPK ĐẾN SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ TRÊN CÂY NGÔ SINH KHỐI TRONG VỤ HÈ THU 2023 TẠI XÃ BÌNH NGHI, HUYỆN TÂY SƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH

google+

linkedin

MÔ HÌNH XÁC ĐỊNH HIỆU QUẢ CỦA CHẾ PHẨM NANO TRÊN PHÂN BÓN NPK ĐẾN SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ TRÊN CÂY NGÔ SINH KHỐI TRONG VỤ HÈ THU 2023 TẠI XÃ BÌNH NGHI, HUYỆN TÂY SƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN MÔ HÌNH XÁC ĐỊNH HIỆU QUẢ CỦA CHẾ PHẨM NANO TRÊN PHÂN BÓN NPK ĐẾN SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ TRÊN CÂY NGÔ SINH KHỐI TẠI TRONG VỤ HÈ THU 2023 TẠI XÃ BÌNH NGHI, HUYỆN TÂY SƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cây ngô (Zea mays. L) là cây trồng đóng vai trò quan trọng cho chiến lược an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế toàn cầu, nguyên liệu chủ yếu của ngành chăn nuôi (chiếm 70% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi) (USDA, 5/2021). Là cây trồng tiềm năng cho mục tiêu làm thức ăn xanh trong chăn nuôi nhờ tính ưu việt về giá trị dinh dưỡng, năng suất chất xanh và tổng thu năng lượng cao (dễ tiêu hóa).

Theo quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, nước ta cần khoảng 140-150 ngàn ha gieo các loài cây trồng thu sinh khối để đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh cho bò sữa. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70% còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn). Qua đó cho thấy, để đảm bảo tăng trưởng của ngành chăn nuôi, cần tiếp tục phát triển và mở rộng các vùng nguyên liệu làm thức ăn xanh, trong đó ngô sinh khối được xác định là cây trồng quan trọng đảm bảo cho mục tiêu phát triển của ngành chăn trong giai đoạn tới.

Theo Thống kê của FAO, năm 2012 trên thế giới, diện tích trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đạt 1,155 triệu ha với sản lượng 108,974 triệu tấn; đến năm 2021 diện tích giảm còn 1,043 triệu ha với sản lượng 88,581 triệu tấn, giảm 20,393 triệu tấn so với năm 2012. Tại Việt Nam, diện tích trồng ngô sinh khối ở nước ta hiện khoảng 50.000 ha, doanh thu đạt khoảng 4.000 tỷ đồng/năm trong khi đó nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm. Theo Cục Chăn nuôi, hiện nhu cầu thức ăn thô xanh đang chiếm tới trên 90% nhu cầu thức ăn của gia súc ăn cỏ, trong đó nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm. Mỗi con trâu, bò giai đoạn vỗ béo có thể có nhu cầu thức ăn thô xanh lên tới 40-50 kg/ngày. Với định hướng nâng cơ cấu thịt bò lên chiếm 10% tổng cơ cấu thịt xẻ vào năm 2020, ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 234 nghìn ha ngô sinh khối (trồng liên tục cả 3 vụ/năm) mới đủ phục vụ nhu cầu thức ăn thô xanh. Trong đó, tỉnh Bình Định là một trong những tỉnh có số lượng đàn trâu bò lớn tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ với số lượng đàn trâu là 17,2 nghìn con và số lượng đàn bò là 303,6 nghìn con vào năm 2022; từ đó có thể thấy rằng nhu cầu về thức ăn thô xanh để phục vụ sản xuất chăn nuôi tại địa phương và tiềm năng sản xuất ngô sinh khối vẫn còn rất lớn.

Trong những năm gần đây, mặc dù đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong canh tác cây ngô sinh khối tuy nhiên một số nơi vẫn còn lạm dụng các loại phân vô cơ đặc biệt là phân đạm vốn có tỷ lệ thất thoát cao trên đồng ruộng kết hợp với việc bón phân thiếu cân đối giữa các yếu tố đa lượng làm giảm hiệu suất sử dụng phân bón trong canh tác và từ đó làm giảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Mặt khác, một số loại phân tổng hợp, chậm tan đã được đưa vào sử dụng trong sản xuất nhằm tăng hiệu suất sử dụng phân bón, hạn chế hiện tượng thất thoát và đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây trồng. Việc ứng dụng công nghệ nano vào trong sản xuất phân bón đang là một hướng đi mới đầy triển vọng nhằm giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất cây trồng nói chung và sản xuất cây ngô sinh khối nói riêng.

Trên những cơ sở đó, chúng tôi tiến hành thực hiện mô hình “Xác định hiệu quả của chế phẩm nano trên phân bón NPK đến sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế trên cây ngô sinh khối”

* Mục tiêu:

Xác định được hiệu quả của chế phẩm nano trên phân bón NPK đến sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế trên cây ngô sinh khối.

II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Nội dung thực hiện

Triển khai mô hình trình diễn đánh giá hiệu quả của phân NPK có chứa nano đến sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế trên cây ngô sinh khối.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

* Quy mô: Thực hiện với tổng diện tích 3.250 m2

* Phương pháp bố trí thí nghiệm: Các nghiệm thức được bố trí theo kiểu tuần tự hoặc ngẫu nhiên, không lặp lại.

* Các nghiệm thức và lượng phân bón áp dụng: Gồm 3 công thức

– NT1 (Đối chứng): Bón phân NPK16-16-8, bón 1 lần vào giai đoạn ngô 5 lá, lượng bón 50kg/sào (500 m2/sào). Lượng phân bón nguyên chất cho 1 ha tương đương 160 kg N + 160 kg P2O5 + 80 kg K2O

– NT2: Bón phân NPK chứa nano (NPK 18-14-6 + 6S + TE), bón 1 lần vào giai đoạn ngô 5 lá, lượng bón 50 kg/sào (500 m2/sào). Lượng phân bón nguyên chất cho 1 ha tương đương 180 kg N + 140 kg P2O5 + 60 kg K2O

– NT3: Bón phân NPK chứa nano (NPK 18-14-6 + 6S + TE và NPK 16-6-18 + 1Mg + TE), bón 2 lần. Lần 1 bón vào giai đoạn ngô 5 lá với lượng 36 kg NPK 18-14-6 + 6S + TE cho 1 sào (500 m2/sào). Lần 2 bón vào giai đoạn ngô 8-10 lá với lượng 14 kg NPK 16-6-18 + 1Mg + TE cho 1 sào (500 m2/sào). Lượng phân bón nguyên chất cho 1 ha tương đương 174,4 kg N + 117,6 kg P2O5 + 93,6 kg K2O

* Quy trình kỹ thuật áp dụng:

– Giống: Sử dụng giống ngô chuyển gen kháng sâu đục thân và kháng thuốc trừ cỏ NK7328 Bt/GT

– Làm đất: Đất được cày bừa tơi xốp, sạch cỏ dại, sử dụng máy gieo hạt để gieo hạt khi đất còn đủ độ ẩm.

– Mật độ gieo trồng: Gieo theo khoảng cách hàng cách hàng 60 cm; cây cách cây 20 cm

– Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh: Trong quá trình này cần lưu ý một số điểm sau:

+ Chăm sóc sớm (ở giai đoạn cây con) để tạo lực cho cây;

+ Phòng trừ sâu bệnh khi chưa xuất hiện triệu chứng, đặc biệt là sâu đục thân, bệnh khô vằn và đốm lá bằng các loại thuốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly trước khi cho ăn tươi.

+ Tưới nước đảm bảo đủ ẩm, đặc biệt ở các giai đoạn trước, trong và sau khi trổ cờ, tung phấn, phun râu.

– Thu hoạch

+ Thu hoạch ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi phải đạt được các tiêu chí năng suất sinh khối và hàm lượng dinh dưỡng chính trong cây ngô tích lũy ở mức cao nhất.

+ Thời điểm lý tưởng cắt cây ngô xanh để ủ chua là khi 50% số bắp trên cây ngô ở giai đoạn chín sáp. Thu hoạch toàn bộ thân cây bao gồm cả bắp, không bỏ riêng ra ngoài, bởi vì hạt có chứa đường, tạo thuận lợi cho quá trình lên men. Nếu chỉ ủ chua những cây ngô không bắp sẽ không cho ra loại thức ăn ủ chua có chất lượng tốt.

2.3. Phương pháp đánh giá và xử lý số liệu

– Các chỉ tiêu theo dõi và đánh giá trong thí nghiệm được thực hiện theo TCVN 13381-2:2021 về Khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống ngô, TCVN 12719:2019 về Khảo nghiệm phân bón cho cây trồng hàng năm.

– Các số liệu được tổng hợp bằng phần mềm Excel và xử lý thống kê bằng chương trình Statistix 8.2.

– Phương pháp tính hiệu quả kinh tế: Sử dụng phương pháp phân tích hiệu quả kinh tế của cây trồng để phân tích hiệu quả theo các tiêu chí sau:

+ Tổng giá trị thu nhập (GR) = Năng suất x Giá bán trung bình;

+ Tổng chi phí lưu động (TVC) = Chi phí vật tư + Chi phí lao động + Chi phí năng lượng + Lãi suất vốn đầu tư,…;

+ Lợi nhuận (RVAC) = GR – TVC;

+ Tỷ suất lãi so với vốn đầu tư (VCR) = RVAC/TVC;

2.4. Thời gian và địa điểm thực hiện

– Thời gian thực hiện: Ngày gieo giống 18/5/2023

– Địa điểm thực hiện: Xã Bình Nghi, Tây Sơn, Bình Định.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Khả năng sinh trưởng phát triển của các nghiệm thức trong mô hình

Bảng 1. Các giai đoạn sinh trưởng và đặc điểm hình thái tại các nghiệm thức

Nghiệm thức Thời điểm trỗ cờ

(ngày)

Thời điểm phun râu

(ngày)

Thời điểm thu hoạch (ngày) Chiều cao cây

(cm)

Chiều cao đóng bắp

(cm)

Số

(cm)

Đường kính

thân

(cm)

  NT1 (Đối chứng) 54 56 78 230,3 107,2 13,3 2,6
  NT2 55 57 79 246,4 114,1 13,8 2,8
  NT3 55 57 79 233,7 104,3 13,5 2,6

Khả năng sinh trưởng phát triển của cây tại các nghiệm thức được thể hiện qua số liệu tại bảng 2 cho thấy:

Các thời điểm sinh trưởng và phát triển của nghiệm thức 1 đều sớm hơn 1 ngày so với 2 nghiệm thức NT2 và NT3, trong đó ngày trỗ cờ ở thời điểm 54 ngày sau gieo, ngày phun râu ở thời điểm 56 ngày sau gieo và ngày thu hoạch ở thời điểm 78 ngày sau gieo. NT2 và NT3 có các thời điểm sinh trưởng tương đương nhau trong đó bắt đầu trỗ cờ ở 55 ngày, phun râu ở 57 ngày và được thu hoạch ở thời điểm 79 ngày. Nhìn chung giữa các nghiệm thức không có sự khác biệt nhiều về thời điểm sinh trưởng và phát triển.

Về đặc điểm hình thái có sự khác biệt giữa nghiệm thức NT2 so với 2 nghiệm thức còn lại, các đặc tính về hình thái đều có sự tương quan thuận với năng suất sinh khối thu được. Hay nói cách khác, giống có chiều cao cây lớn, số lá xanh nhiều, đường kính thân lớn sẽ cho năng suất sinh khối lớn hơn và ngược lại. Về chiều cao cây tại các nghiệm thức dao động từ 230,2 đến 246,4 cm trong đó NT2 có chiều cao cây lớn nhất, so với nghiệm thức đối chứng thì NT2 có chiều cao tăng thêm 16,1 cm còn nghiệm thức NT3 có chiều cao tăng nhẹ (+3,4 cm). Về chiều cao đóng bắp của các nghiệm thức dao động từ 104,3 cm ở nghiệm thức NT3 đến 114,1 cm ở nghiệm thức NT2, so với nghiệm thức đối chứng chỉ có NT2 có chiều cao đóng bắp lớn hơn 6,9 cm. Về số lá xanh ở thời điểm thu hoạch tại các nghiệm thức dao động từ 13,3 đến 13,8 lá trong đó NT2 có số lá xanh nhiều nhất và nghiệm thức đối chứng có số lá xanh ít nhất. Về đường kính thân của các nghiệm thức dao động từ 2,6 đến 2,8 cm trong đó NT2 có đường kính thân lớn nhất, 2 nghiệm thức còn lại có đường kính thân tương đương nhau ở mức 2,6 cm. Nhìn chung nghiệm thức NT2 có sự khác biệt rõ hơn về khả năng sinh trưởng phát triển thể hiện qua các chỉ tiêu về hình thái có sự khác biệt so với nghiệm thức đối chứng, trong khi đó nghiệm thức NT3 không có sự sai khác rõ về khả năng sinh trưởng và phát triển so với nghiệm thức đối chứng mà chỉ được đánh giá ở mức tương đương.

3.2. Mức độ nhiễm sâu bệnh hại và khả năng chống đổ ngã ở các nghiệm thức trong mô hình

Bảng 2. Tình hình sâu bệnh hại ngô và mức độ đổ ngã ở các nghiệm thức trong mô hình

 

Nghiệm thức

Sâu
đục thân
(điểm)
Sâu
đục bắp
(điểm)
Bệnh thối khô thân

(%)

Bệnh

khô vằn
(%)

Mức
độ đổ rễ
(điểm)
Mức độ đổ gãy thân
(điểm)
  NT1 (Đối chứng) 1 2 22,7 3,3 1 1
  NT2 1 1 5,7 0 1 1
  NT3 1 1 8,0 0 1 1

Khả năng chống chịu sâu bệnh trong điều kiện ngoài đồng ruộng và mức độ chống đổ ngã ở các nghiệm thức trong mô hình được thể hiện qua số liệu tại bảng 3 cho thấy:

Về khả năng chống chịu sâu bệnh hại:

Về sâu hại: Nhờ việc sử dụng giống ngô lai chuyển gen kháng sâu đục thân nên trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây tại các nghiệm thức không xuất hiện đối tượng sâu này gây hại và đều được đánh giá ở điểm 1. Riêng sâu đục bắp gây hại nhiều hơn ở nghiệm thức NT1 với tỷ lệ khoảng 7,6% tương đương với mức đánh giá ở điểm 2, hai nghiệm thức còn lại có sâu đục bắp gây hại không đáng kể và được đánh giá ở điểm 1.

Về bệnh hại: Hai đối tượng bệnh thường xuyên gây hại trên cây bắp trong vụ Hè Thu là bệnh khô vằn và bệnh thối khô thân, trong khi bệnh khô vằn có thể dễ dàng thực hiện công tác phòng trị thì bệnh thối khô thân thường chỉ xuất hiện vào giai đoạn cây đã có trái và giao tán gây khó khăn cho việc phòng trị bệnh. Quan sát tại các nghiệm thức trong mô hình cho thấy bệnh thối khô thân gây hại nhiều nhất ở nghiệm thức đối chứng NT1 với tỷ lệ 22,7%; hai nghiệm thức sử dụng phân bón Eco-Nanomix có mức độ nhiễm bệnh thấp hơn lần lượt là 8,0% ở nghiệm thức NT3 và 5,7% ở nghiệm thức NT2. Tương tự ở bệnh khô vằn chỉ xuất hiện và gây hại nhẹ trên nghiệm thức đối chứng NT1 với tỷ lệ 3,3%, hai nghiệm thức còn lại không xuất hiện bệnh gây hại.

Về mức độ chống chịu đổ ngã: Cả 3 nghiệm thức đều có cây sinh trưởng phát triển khá tốt, đường kính thân khá lớn cùng với sự phát triển mạnh của rễ chân kiềng góp phần tăng khả năng chống đổ ngã của cây tại các nghiệm thức. Quan sát đánh giá cho thấy ở cả 3 nghiệm thức đều có cây cứng, không có hiện tượng đổ ngã rễ và đổ gẫy thân, tương đương với mức độ đánh giá ở điểm 1.

Nhìn chung, các nghiệm thức NT2 và NT3 sử dụng phân bón Eco-Nanomix có mức độ nhiễm sâu bệnh hại nhẹ hơn so với nghiệm thức đối chứng NT1 và có khả năng chống chịu đổ ngã tốt trong đó nghiệm thức NT2 có mức độ nhiễm sâu bệnh thấp nhất.

 3.3. Năng suất sinh khối ở các nghiệm thức trong mô hình

Bảng 3. Năng suất sinh khối của các nghiệm thức trong mô hình

Nghiệm thức Mật độ cây (cây/ha) Năng suất

sinh khối

(tấn/ha)

Năng suất

vượt so với đ/c

(tạ/ha)

Tỷ lệ năng suất

vượt so với đ/c

(%)

 NT1 (Đối chứng) 83.333 63,00 b
 NT2 83.333 72,51 a 9,51 +15,1
 NT3 83.333 66,23 ab 3,23 +5,1
CV (%)   5,13    
LSD 0,05   7,81    

Năng suất sinh khối là khối lượng của các bộ phận trên mặt đất của cây ngô bao gồm thân, lá, bông cờ, trái. Đây là chỉ tiêu quan trọng nhất đối với sản xuất ngô sinh khối vì nó là nguyên liệu chính trong quá trình thực hiện ủ chua làm thức ăn cho trâu bò. Qua quá trình đánh giá năng suất sinh khối tại các nghiệm thức được thể hiện qua số liệu của bảng 3 cho thấy rằng:

Mặc dù được trồng chung ở một mức mật độ với khoảng cách giữa các hàng là 60 cm và cây cách cây 20 cm tương đương với mức mật độ 83.333 cây/ha tuy nhiên giữa các nghiệm thức có sự sai khác rõ về năng suất sinh khối. Đánh giá trong mô hình cho thấy năng suất sinh khối giữa các nghiệm thức dao động từ 63,00 đến 72,51 tấn/ha trong đó nghiệm thức NT2 có năng suất sinh khối lớn nhất và tăng thêm 9,51 tấn/ha tương đương với mức tăng thêm 15,1% so với nghiệm thức đối chứng NT1 trong khi đó nghiệm thức NT3 có năng suất sinh khối tăng thêm 3,23 tấn/ha tương đương với tỷ lệ tăng thêm ở 5,1%. Tuy nhiên, đánh giá về mặt thống kê chỉ có duy nhất nghiệm thức NT2 có sự sai khác về năng suất có ý nghĩa về mặt thống kê so với công thức đối chứng ở xác suất 95%.

Nhìn chung các nghiệm thức sử dụng phân bón Eco-Nanomix đều có năng suất tăng thêm so với nghiệm thức đối chứng từ 5,1 – 15,1% trong nghiệm thức 2 thể hiện sự vượt trội về năng suất so với nghiệm thức đối chứng.

 3.4. Hiệu quả kinh tế của các nghiệm thức trong mô hình

Bảng 4. Tính toán hiệu quả kinh tế của các nghiệm thức trong mô hinh

ĐVT: đồng

TT Hạng mục hạch toán ĐVT Đơn giá NT1 (Đ/C) NT2 NT3
Số lượng Thành tiền Số lượng Thành tiền Số lượng Thành tiền
A Tổng chi       55.330.000   57.857.500   59.262.500
I Vật tư       20.920.000   20.120.000   20.120.000
1 Giống kg 180.000 24 4.320.000 24 4.320.000 24 4.320.000
2 Phân NPK 16-16-8 kg 14.000 1000 14.000.000
3 Phân NPK 18-14-6 + 6S + TE kg 13.200 1000 13.200.000 720 9.504.000
4 Phân NPK 16-6-18 + 1Mg + TE kg 13.200 280 3.696.000
5 Thuốc cỏ chai 50.000 10 500.000 10 500.000 10 500.000
6 Thuốc BVTV chai 35.000 60 2.100.000 60 2.100.000 60 2.100.000
II Công chăm sóc, thu hoạch       34.410.000   37.737.500   39.142.500
1 Làm đất công 150.000 20 3.000.000 20 3.000.000 20 3.000.000
2 Chăm sóc công 180.000 40 7.200.000 40 7.200.000 60 10.800.000
3 Chi phí điện tưới nước (TB tưới 4 ngày/lần x 3 kw/lần) 1.800 1.200 2.160.000 1.200 2.160.000 1.200 2.160.000
4 Thu hoạch công 250.000 25,2 6.300.000 29,0 7.250.000 26,5 6.625.000
5 Chi phí vận chuyển đồng/tấn 250.000 63,0 15.750.000 72,51 18.127.500 66,23 16.557.500
B Tổng thu       85.050.000   97.888.500   89.410.500
1 Năng suất tấn/ha 1.350.000 63 85.050.000 72,51 97.888.500 66,23 89.410.500
C Lợi nhuận       29.720.000   40.031.000   30.148.000
Tỷ lệ lợi nhuận so Đ/c % 100,0 134,7 101,5
D Tỷ suất lợi nhuận 0,54 0,69 0,51

Hiệu quả kinh tế của các nghiệm thức trong mô hình được thể hiện qua số liệu thống kê tại bảng 4 cho thấy rằng:

Về tổng chi phí giữa các nghiệm thức dao động từ 55,330 – 59,262 triệu đồng/ha. Trong đó, sự khác nhau về tổng chi phí chủ yếu đến từ công chăm sóc, công thu hoạch và chi phí vận chuyển khi thu hoạch, trong đó NT2 có năng suất sinh khối cao nhất nên chi phí cho công thu hoạch (chặt, bó cây) và vận chuyển sau khi thu hoạch cao nhất lần lượt là 7,250 triệu đồng/ha và 18,127 triệu đồng/ha. Các nghiệm thức NT2 và NT3 sử dụng phân bón Eco-Nanomix có mức đầu tư phân bón thấp hơn 0,800 triệu đồng/ha so với nghiệm thức đối chứng NT1 bón phân NPK16-16-8. Tuy nhiên, đánh giá về tổng mức đầu tư thì NT3 đạt cao nhất do chi phí chăm sóc cao (bón 2 lần phân so với 2 nghiệm thức còn lại chỉ bón 1 lần) và chi phí thu hoạch, vận chuyển cao nên xấp xỉ bằng nghiệm thức NT2.

Về tổng thu phụ thuộc vào năng suất sinh khối thực thu tại các nghiệm thức. Với giá bán bình quân khoảng 1.350 đồng/kg ngô sinh khối tươi, đánh giá trong mô hình cho thấy mức tổng thu đạt từ 85,050 – 97,888 triệu đồng/ha trong đó nghiệm thức NT2 có năng suất sinh khối cao nhất nên cho mức tổng thu cao nhất so với hai nghiệm thức còn lại. Mức lợi nhuận thu được của các nghiệm thức dao động từ 29,720 triệu đồng/ha ở NT1 đến 40,031 triệu đồng/ha ở NT2. So với nghiệm thức đối chứng NT1 thì NT2 có lợi nhuận tăng thêm lần lượt là 10,311 triệu đồng/ha, NT3 có lợi nhuận tăng thêm không đáng kể chỉ đạt 0,428 triệu đồng/ha. Tỷ lệ lợi nhuận tăng thêm ở NT2 so với Đ/c là 34,7%. Tỷ suất lợi nhuận của các nghiệm thức dao động từ 0,51 – 0,69 lần trong đó NT2 có tỷ suất lợi nhuận cao nhất (đạt 0,69 lần) và NT3 có tỷ suất lợi nhuận (đạt 0,51 lần) xấp xỉ so với nghiệm thức đối chứng NT1 (đạt 0,54 lần).

Ngoài ra, nếu sản xuất ngô lấy hạt thì năng suất là 7,0 tấn hạt/ha (giá ngô hạt 8.000 đồng/kg) thì lợi nhuận chỉ là 17,766 triệu đồng/ha và đạt so với NT1; NT2; NT3 lần lượt là 53,1%; 39,4%; 52,3%.

Nhìn chung, hai nghiệm thức sử dụng phân bón thế hệ mới Eco-Nanomix có mức đầu tư về phân bón giảm nhẹ so với nghiệm thức đối chứng, trong đó NT2 chỉ (bón 1 lần) có năng suất và hiệu quả kinh tế tăng cao so với nghiệm thức đối chứng NT1 trong khi nghiệm thức NT3 (bón 2 lần) có mức đầu tư chăm sóc cao hơn nên hiệu quả kinh tế chỉ tương đương so với nghiệm thức đối chứng đầu tư phân bón NPK thông thường.

  1. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

4.1. Kết luận

Sau quá trình thực hiện và đánh giá các nghiệm thức sử dụng các loại phân bón khác nhau trong mô hình sản xuất ngô sinh khối, bước đầu đã xác định được một số kết luận sau đây:

(1) Các nghiệm thức sử dụng phân bón Eco-Nanomix có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt nghiệm thức NT2 (bón 1 lần, sử dụng toàn bộ phân NPK 18-14-6 + 6S + TE) có sự phát triển rõ hơn về thân lá so với nghiệm thức đối chứng sử dụng phân NPK thông thường.

(2) Khả năng chống chịu sâu bệnh hại ngoài đồng ruộng của các nghiệm thức áp dụng phân bón Eco-Nanomix tốt hơn so với nghiệm thức đối chứng không sử dụng phân bón nano.

(3) Năng suất sinh khối của các nghiệm thức có sử dụng phân bón Eco-Nanomix cao hơn từ 5,1 – 15,1% so với nghiệm thức sử dụng phân bón NPK thông thường trong đó NT2 (bón 1 lần, sử dụng phân NPK 18-14-6 + 6S + TE) có năng suất vượt trội và khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê so với nghiệm thức đối chứng NT1.

(4) Các nghiệm thức sử dụng phân bón Eco-Nanomix có hiệu quả kinh tế trong sản xuất cao hơn so với nghiệm thức NT1 (sử dụng phân bón NPK thông thường) với mức lợi nhuận tăng thêm từ 0,428 – 10,311 triệu đồng/ha.

(5) Xác định được nghiệm thức NT2 (bón 1 lần, sử dụng phân bón Eco-Nanomix NPK 18-14-6 + 6S + TE) cho năng suất (tăng thêm 15,1%) và hiệu quả kinh tế (tăng thêm 10,311 triệu đồng/ha, tương ứng tăng thêm 34,7%) cao nhất so với nghiệm thức đối chứng NT1.

4.2. Đề nghị:

– Khuyến cáo sử dụng phân bón NPK thế hệ mới công nghệ Eco-Nanomix bón 1 lần vào giai đoạn ngô 5 lá cho sản xuất ngô sinh khối thay cho các loại phân bón NPK thông thường.

– Cần thực hiện đánh giá về tác động của các loại phân bón sử dụng công nghệ Eco-Nanomix trong vụ Đông Xuân và trên một số chân đất khác, chế độ bón phân khác nhau để có kết quả rõ ràng hơn về hiệu quả của phân bón Nano so với phân bón thông thường.

BÀI VIẾT QUA CÁC NĂM