Cách nào để giảm 50% lượng phân bón trên lúa?
Cách nào để giảm 50% lượng phân bón trên lúa?
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Kết quả trình diễn trên 60 ha lúa tại ĐBSCL đã chứng minh điều này có thể làm được, giúp nông dân tiết kiệm chi phí mà năng suất vẫn có thể như kỳ vọng…
Kết quả bất ngờ khi bón 1 lần cho 1 vụ sản xuất lúa
Sản phẩm phân bón NPK hữu cơ thế hệ mới có chứa hoạt chất Eco-NanoMix chỉ cần bón một lần cho một vụ sản xuất lúa, được Công ty cổ phần phân bón Bình Điền II, thương hiệu 2Phong, trình diễn trên diện tích 60 ha vụ 3/2022 tại ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh phân bón Bình Điền II, thương hiệu 2Phong, cho biết: “Để đánh giá chất lượng dòng sản phẩm mới cho lúa, gồm NPK 2Phong – Lúa xanh và NPK 2Phong – Chắc hạt, chúng tôi đã áp dụng quy trình bón phân với 3 nghiệm thức:
+ Thứ nhất: NPK Lúa xanh bón thúc (sau khi sạ từ 8–10 ngày) liều lượng 260 kg/ha, không bón rước đòng.
+ Thứ hai: NPK Lúa xanh bón thúc 260kg/ha, bón NPK Chắc hạt lúc rước đòng 60kg/ha (lúa từ 42-46 ngày sau sạ).
+ Thứ ba: NPK bón thúc 260 kg/ha, bón NPK Chắc hạt lúc rước đòng 90kg/ha.
Sau khi thu hoạch cả 3 nghiệm thức trên diện tích 60 ha, năng suất lúa đều cao hơn bón thông thường của bà con trong vùng, đặc biệt trà lúa bón 1 lần cho năng suất cao hơn. Nếu nông dân bón phân theo cách thông thường chi phí đầu tư hơn 10 triệu đồng/ha thì bón phân NPK Lúa xanh và Chắc hạt của 2Phong theo nghiệm thức 2 và 3 chi phí đầu tư khoảng 5 triệu đồng/ha, theo nghiệm thức 1 chi phí khoảng 4 triệu đồng/ha vẫn đạt năng suất từ 6-8 tấn/ha, là năng suất rất cao trong vụ 3”.
Thể hiện sự hồ hởi, phấn khởi, nông dân Võ Văn Nhẫn cho biết, vì tin tưởng anh 2 Phong (Lê Quốc Phong) nên ông mới mạnh dạn làm trình diễn trên diện tích 60 ha trong vụ 3. Dù thời tiết không thuận lợi, vậy mà kết quả hơn cả mong đợi. Ông cũng đã sử dụng sản phẩm này cho hơn 120 ha còn lại trong vụ Đông – Xuân và tin chắc kết quả sẽ tốt đẹp hơn.
Tương tự, ông Trần Văn Nguyên, nông dân ấp Lung Lớn chia sẻ: “Ruộng tôi gần ruộng ông Nhẫn, lúc đầu thấy ông Nhẫn bón thúc loại Lúa xanh 1 lần 260 kg/ha/vụ tui không tin vì bón 1 lần sao có năng suất, tui cứ ngó qua hoài thấy lúa vẫn phát triển tốt và bây giờ thu hoạch năng suất cao hơn thiệt, mà đầu tư ít hơn. Vì thế, chắc chắn tui sẽ xài loại phân này cho hơn 100 ha lúa của tôi trong vụ Đông-Xuân”.
Còn các ông Nguyễn Trung Hiếu có 46 ha, ông Nguyễn Văn Sáng có hơn 20 ha, ông Lê Văn Mãi có hơn 10 ha, và một số nông dân xung quanh, cũng đã nhờ ông Nhẫn làm đầu mối để chuyển các loại phân mới này của 2Phong về bón cho kịp thời vụ.
Lan tỏa để thay đổi tập quán sản xuất của nông dân
Ông Lê Quốc Phong chia sẻ: “Là nhà sản xuất phân bón, chúng tôi luôn nỗ lực nghiên cứu ứng dụng để sản xuất ra các sản phẩm phân bón chất lượng cao, giúp nông dân giảm lượng bón, giảm lần bón mà vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Nghe rất mâu thuẫn, nhưng đó là trách nhiệm của nhà sản xuất làm sao để giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng thu nhập, cũng chính là từng bước nâng cao đời sống cho người nông dân và quan trọng hơn là giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề đang được toàn thế giới quan tâm”. Có lẽ, cũng vì những suy nghĩ và hành động như thế, ông Lê Quốc Phong vừa được trao tặng danh hiệu cao quý “Nhà khoa học của nhà nông”.
Điều đặc biệt hơn nữa là suốt cả vụ lúa trong cánh đồng trình diễn không phải xịt thuốc bảo vệ thực vật lần nào. Ông Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang rất tâm đắc với hướng đi vì nhà nông của Phân bón 2Phong và đề nghị Trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai nhiều điểm trình diễn hơn nữa.
Có mặt tại buổi thăm đồng, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho rằng, trong nhiều năm qua, hiệu lực sử dụng phân bón ở ĐBSCL và cả nước là rất thấp, chỉ ở mức 30-50%. Nông dân có thói quen rãi nhiều phân bón cho chắc ăn, rất lãng phí, làm tăng chi phí đầu vào dẫn đến hiệu quả đạt được sau thu hoạch rất thấp, còn gây nhiều hệ lụy cho môi trường.
Chính vì thế, việc giảm lượng bón và lần bón là rất tốt, dù giảm từ 30-50% lượng bón nhưng vẫn tăng năng suất, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng thêm thu nhập. Trong vụ Đông-Xuân tới, khuyến nông Kiên Giang sẽ cùng với Công ty triển khai nhiều điểm ở huyện Hòn Đất nơi có diện tích lúa lớn của tỉnh.
Theo ông Lê Quốc Phong, sắp tới, Công ty sẽ tiếp tục làm trình diễn trên nhiều vùng sinh thái khác nhau trên cơ sở kết quả đạt được, nhằm từng bước thay đổi tập quán sản xuất của nông dân.
Sản phẩm NPK hữu cơ thế hệ mới chứa hoạt chất Eco-NanoMix có gì mới?
Eco-NanoMix là các hạt oxide kim loại có kích cỡ hạt từ 60-100 mm. Các hạt nano oxide kim loại này có tính chất giống emzyme và có tính chất của các cofactor (hạt cofactor là các hạt nano ô xít kim loại có tác dụng kích hoạt sự hoạt động mạnh của các emzyme bất hoạt hoạt động trở lại và mạnh hơn). Các nano oxide kim loại có tính quang xúc tác sẽ làm tăng hiệu suất quang hợp của cây trồng và tạo ra ROS trong thực vật, tăng khả năng kháng bệnh cho thực vật, xúc tác cho quá trình tổng hợp hydratcacbon và tăng khả năng tích lũy chất khô của cây trồng. Các nano oxide kim loại làm tăng khả năng trao đổi điện tích trong dịch bào của thực vật, xúc tác các emzyme trong thực vật hoạt động mạnh hơn.
Chế phẩm Eco- NanoMix sẽ tăng cường phát triển bộ lá trong giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng sinh thực, giúp bộ lá xanh, hàm lượng diệp lục tố cao, tăng hiệu suất quang hợp của lá. Tăng cường trao đổi chất, nano oxide kim loại giúp cân bằng các phản ứng sinh hóa trong cây, giúp cân bằng các vi sinh vật nội sinh trong thực vật… làm tăng khả năng quang hợp của cây trồng từ 20-40%. Tăng khả năng trao đổi chất, tăng sự phát triển của bộ rễ, to đòng, mập đòng, tăng chiều dài bông và số hạt trên bông lúa, chống đổ ngã, giải độc khi cây lúa bị nhiễm phèn, mặn và tác động bất lợi của thời tiết, tăng tính kháng bệnh, tăng năng suất lúa, giảm dư lượng thuốc trừ bệnh trên nông sản, giảm lượng bón, chỉ cần bón 1-2 lần phân bón cho một vụ.