Sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu – Kết quả nghiên cứu, xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả tại Phú Yên – Đề xuất một số vấn đề

google+

linkedin

Sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu – Kết quả nghiên cứu, xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả tại Phú Yên – Đề xuất một số vấn đề

TS. Nguyễn Thanh Phương – Nguyên PVT, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB

                     ThS. Phạm Phú Hưng – GĐ Cty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định và cs

(Đăng trên Kỷ yếu Tổng kết 5 năm KHCN giai đoạn 2016-2020 tỉnh Phú Yên, 12/2021)

Tóm tắt: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang cây trồng cạn (đậu đỗ, ngô, vừng, rau màu, …), cây ăn quả, cây công nghiệp, cây được liệu,… là tất yếu để thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao, Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA – Climate Smart Agriculture), Nông nghiệp tuần hoàn, Nông nghiệp hữu cơ, Nông nghiệp xanh, Nông nghiệp số (Nông nghiệp 4.0),… trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Phú Yên.

Từ khóa: Thích ứng, biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả, tỉnh Phú Yên.

1. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1.1. Tác động của Biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp

– Biến đổi khí hậu (BĐKH) có tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng. BĐKH ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng của gia súc, gia cầm, làm tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm. Ngành nông nghiệp đối mặt với nhu cầu lớn về phát triển giống cây trồng và vật nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro do BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan.

– Vì sự nóng lên trên phạm vi toàn lãnh thổ, thời gian thích nghi của cây trồng nhiệt đới mở rộng và của cây trồng á nhiệt đới bị thu hẹp lại. Ranh giới của cây trồng nhiệt đới dịch chuyển về phía núi cao hơn và các vĩ độ phía Bắc. Phạm vi thích nghi của cây trồng nhiệt đới dịch chuyển về phía núi cao và các vĩ độ phía Bắc. Phạm vi thích nghi của các cây trồng á nhiệt đới bị thu hẹp lại.

Vào những năm 2070, cây á nhiệt đới ở vùng núi chỉ có thể sinh trưởng ở những độ cao trên 100-500 m và lùi xa hơn về phía Bắc 100-200 km so với hiện nay.

– BĐKH có khả năng làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, tố, lốc, các thiên tai liên quan đến nhiệt độ và mùa như thời tiết khô nóng, lũ, ngập úng hay hạn hán, rét hại, xâm nhập mặn, sâu bệnh, làm giảm năng suất và sản lượng cây trồng vật nuôi.

– BĐKH gây nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần đáng kể diện tích đất nông nghiệp ở vùng đất thấp đồng bằng ven biển, đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long bị ngập mặn do nước biển dâng, nếu không có biện pháp ứng phó thích hợp.

1.2. Một số giải pháp cơ bản hạn chế ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Phú Yên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) 

1.2.1. Một số giải pháp cơ bản hạn chế và thích ứng với BĐKH

(1) Khai thác hợp lý và bền vững tài nguyên môi trường (khí hậu, đất đai và nước) đi đôi với phân vùng và quy hoạch lãnh thổ. Tích cực bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn cũng như vận động nhân dân trồng cây gây rừng ở khu dân cư, vừa có tác dụng phòng hộ, vừa giải quyết được nhu cầu chất đốt.

(2) Chọn tạo, nhập nội giống cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng:

– Nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng phù hợp với điều kiện khô hạn, nghèo dinh dưỡng, phèn, mặn, … góp phần tăng độ che phủ và cải tạo đất: cây lúa, ngô, đậu đỗ, xương rồng, điều, xoài, bưởi, ….

– Nhập nội, khảo nghiệm giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng: cây lúa, ngô (lấy hạt và sinh khối), đậu đỗ, cao lương (phục vụ cho công nghiệp, nhiên liệu xanh, thực phẩm,…), cây ăn quả, cây dược liệu,….

– Chọn tạo, nhập nội khảo nghiệm những giống cây trồng ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được một số sâu, bệnh hại, hạn hán, lũ lụt, …

– Duy trì và phát triển những loại cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và có khả năng chống chịu trong điều kiện gió bão như cây Dừa (cây truyền thống, lâu đời, cho hiệu quả, …).

(3) Sử dụng đất đai hợp lý, xác định cơ cấu cây trồng hợp lý, thay đổi tập quán canh tác thiếu khoa học hoặc khai thác đất triệt để gây nên sự nghèo kiệt đất. Ngăn chặn và loại trừ nạn chăn thả súc vật bừa bãi và quá mật độ cho phép.

(4) Áp dụng đồng thời giải pháp thủy lợi tăng điều kiện ẩm tự nhiên như tích nước, tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt) cho cây trồng và từng bước áp dụng tưới nước tiết kiệm theo chảo bốc thoát hơi nước (Mini-pan). Giải pháp cải tạo độ phì nhiêu của đất để các thảm thực vật tự nhiên nhanh chóng phục hồi.

(5) Tăng lượng nước hữu hiệu để giữ được nước trong đất bằng các chất và vật liệu giữ ẩm (bột trương nở giữ ẩm – SAP – cho cây trồng và rễ cây sử dụng được lượng nước dự trữ này khi độ ẩm trong đất giảm), tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân xanh, phân hữu cơ sinh học, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng các loại cây phát triển lá nhanh và ít rụng lá (cây neem còn gọi là cây xoan chịu hạn) hoặc các đai cây xanh chắn gió, tăng khả năng giữ nước và giảm bốc hơi nước.

(6) Những vùng bị xói mòn mạnh, ngoài việc trồng các đai cây xanh còn áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu để giảm xáo trộn và xói mòn đất.

(7) Sớm ban hành các chính sách mới về chăn nuôi và sử dụng đất có tác dụng tích cực trong việc phục hồi và bảo tồn được thảm thực vật trước mắt và lâu dài, ứng dụng và phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn (kinh tế tuần hoàn), …

(8) Tăng cường đánh giá và dự báo chi tiết hạn hán để chủ động đối phó và sớm có những biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất.

2. CƠ SỞ KHOA HỌC, THỰC TIỂN VÀ ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU CỦA VIỆC CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT LÚA

2.1. Nhu cầu nước của cây lúa và một số loại cây trồng cạn ngắn ngày khác

Bốc hơi (Evaporation), ký hiệu E, là quá trình chuyển hóa các phân tử nước từ mặt đất và bề mặt thoáng của vùng chứa nước từ thể lỏng sang thể hơi và đi vào không khí do tác động chính của bức xạ mặt trời, nhiệt độ, độ ẩm không khí, gió và các yếu tố môi trường khác.

Thoát hơi (Transpiration), ký hiệu là T, là hiện tượng nước thoát ra không khí từ mặt lá, thân cây như là 1 phản ứng sinh lý của cây trồng để chống lại sự khô hạn chung quanh nó. Hơi nước được hệ thống rễ của cây hút lên và thoát ra từ lá cây qua các khí khổng ở bề mặt lá và thân cây.

Lượng nước thoát hơi từ cây trồng tùy thuộc vào tổng diện tích mặt lá (lá rộng, lá hẹp), cấu trúc lá (dạng phẳng, xoăn, cuốn,…), hướng lá (về phía tia bức xạ mặt trời nhiều hay ít), sự phân bố rễ của cây (rễ dày, rễ thưa). Trong phạm vi cây trồng, lượng nước thoát hơi lớn hơn rất nhiều (có thể lên đến 90% tổng lượng nước tưới) so với lượng bốc hơi từ mặt đất. Sự thoát hơi ở cây trồng gia tăng khi bức xạ mặt trời lớn, nhiệt độ môi trường tăng cao, không khí trở nên khô, gió mạnh, độ ẩm thấp.

Bảng 1. Khoảng giá trị  Kc của một số  loại cây trồng theo mùa (FAO, 2001)

Cây trồng Giai đoạn đầu

(gieo hạt)

Giai đoạn

phát triển

Giai đoạn

Ra hoa-kết trái

Giai đoạn

Thu hoạch

1. Lạc 0,40 – 0,50 0,70 – 0,80 0,95 – 1,05 0,55 – 0,65
2. Đậu xanh 0,30 – 0,40 0,65 – 0,70 0,95 – 1,05 0,85 – 0,95
3. Đậu tương 0,30 – 0,40 0,70 – 0,80 1,00 – 1,15 0,40 – 0,50
4. Ngô 0,30 – 0,50 0,70 – 0,98 1,05 – 1,20 0,70 – 0,80
5. Mía 0,40 – 0,50 0,80 – 0,90 1,10 – 1,20 0,60 – 0,70
6. Lúa nước 1,10 – 1,50 1,10 – 1,50 1,10 – 1,00 0,95 – 1,05
7. Hành 0,40 – 0,60 0,70 – 0,80 0,95 – 1,05 0,75 – 0,85
8. Dưa hấu 0,30 – 0,40 0,70– 0,80 0,95 – 1,05 0,65 – 0,75

Ghi chú:  Giá trị đầu: Khi độ ẩm cao (RHmin > 70%) và gió nhẹ (w < 5 m/s)
                Giá trị cuối: Khi độ ẩm thấp (RHmin < 70%) và gió mạnh (w > 5 m/s)
Khi không thỏa điều kiện trên, có thể lấy trị trung bình.

Trong tính toán nhu cầu nước cho cây trồng, lượng bốc thoát hơi (evapotranspiration) được tính bằng lượng nước mất đi từ bốc hơi và lượng thoát hơi nước, viết tắt là ET. Lượng bốc thoát hơi là thông số quan trọng nhất để xác định nhu cầu nước của cây trồng. Một cách gần đúng ta có thể xem: (Nhu cầu nước của cây trồng) ≈ (Lượng bốc thoát hơi)
Bốc thoát hơi cây trồng (Crop evapotranspiration), viết tắt là ETc, theo thực tế xác định theo: ETc = Kc . ETo
Trong đó, Kc là hệ số cây trồng (crop coefficient), Kc thay đổi theo loại cây trồng, thời vụ canh tác và giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Sự thay đổi của Kc có thể biểu hiện bằng đường cong Kc theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.

Từ bảng 1, cho thấy nhu cầu về nước của cây lúa sử dụng trong suốt vụ sản xuất cao hơn hẳn so với một số loại cây trồng cạn khác, mà phần lớn lượng nước bị mất đi do tập quán sản xuất lúa của người nông dân, do duy trì lượng nước lớn trên đồng ruộng liên tục đã khiến lượng nước bốc hơi lớn, gây lãng phí nguồn nước tưới.

Bảng 2. Lượng nước cần tưới cho cây lúa và cây trồng cạn

Loại cây trồng Lượng nước cần tưới (m3/ha/vụ) Ghi chú
1. Cây lúa 6.800 – 7.000 (ĐX)

5.700 – 7.000 (HT)

Riêng tại Ninh Thuận là 10.000 m3/ha/vụ (Số liệu của Sở NN&PTNT Ninh Thuận)
2. Cây ngô 2.000 – 2.500
3. Cây lạc 2.000
4. Cây đậu tương 2.000

(Nguồn: TCVN 8641:2011-Công trình Thủy lợi kỹ thuật tưới tiêu nước cho cây lương thực và thực phẩm)

Lượng nước tưới cho cây ngô, lạc, đậu tương trong một vụ thấp hơn so với cây lúa là từ 2,8 – 3,5 lần.

Đặc biệt trong tình trạng nắng hạn khốc liệt hiện nay và những năm gần đây, việc chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn khác, có nhu cầu sử dụng nước ít hơn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa là điều cấp thiết.

Bảng 3. Thống kế tình hình hạn hạn, thiếu nước vụ Hè Thu, Mùa 2020 và 2021 vùng Duyên hải Nam Trung bộ

TT Tỉnh/Thành phố Diện tích gieo trồng vụ Hè Thu, Mùa (ha) Diện tích không canh tác do thiếu nước DT cây trồng bị ảnh hưởng, hạn hán, thiếu nước lúc cao nhất
Tổng cộng Lúa Cây trồng khác Tổng cộng (ha) Tỷ lệ % Tổng cộng (ha) Tỷ lệ %
I Năm 2020 333.125 199.527 133.598 29.100 8 9.134 3
1 Đà Nẵng 2.359 2.359
2 Quảng Nam 39.198 36.942 2.256 2.200 6
3 Quảng Ngãi 49.584 35.170 14.414 5.176 9 5.330 11
4 Bình Định 48.455 37.256 11.199 5.000 9
5 Phú Yên 45.229 24.500 20.729 1.000 2 1.604 4
6 Khánh Hòa 7.800 4.300 3.500 12.000 61
7 Ninh Thuận 29.000 14.000 15.000 4.000 12
8 Bình Thuận 111.500 45.000 66.500 1.924 2
II Năm 2021 370.249 213.323 156.926 4.034 1,1 4.902 1,3
1 Đà Nẵng 3.090 2.240 850
2 Quảng Nam 38.753 36.531 2.222 2.000 5,2
3 Quảng Ngãi 49.278 34.673 14.605 686 1,4 554 1,1
4 Bình Định 54.054 41.522 12.532 1.548 2,9
5 Phú Yên 64.343 24.474 39.869     1.645 2,6
6 Khánh Hòa 39.183 18.183 21.000 1.000 2,6
7 Ninh Thuận 25.510 13.000 12.510 800 3,1
8 Bình Thuận 96.038 42.700 53.338

(Nguồn: Cục Trồng trọt năm 2020 và 2021)

2.2. Định hướng và mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng

2.2.1. Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa

(i) Chuyển đổi những vùng chân cao nguồn nước không đủ tưới cho lúa hoặc những vùng khai thác được nguồn nước khác bổ sung (nước ngầm, nước tận dụng hồ, đập, sông suối, …) sản xuất lúa kém hiệu quả, bấp bênh;

(ii) Những vùng đất lúa có thành phần cơ giới nhẹ (đất cát, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất xám bạc màu, đất giữ nước kém, …) và phải tập trung liên vùng không đan xen lúa, ngô, lạc;

(iii) Đất sản xuất 3 vụ lúa/ năm chuyển sang 2 lúa + 1 màu.

2.2.2. Mục tiêu

(i) Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhằm tạo ra giá trị lợi nhuận cao hơn cho người nông dân trên cùng một diện tích, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống;

(ii) Chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác sẽ thích nghi tối đa đặc điểm khí hậu, thời tiết của địa phương vùng DHNTB hạn hán, thiếu nước và ngập lụt;

(iii) Chuyển đổi đất lúa sang cây trồng hàng năm khác đem lại nhiều lợi ích như: Hạn chế được nguồn sâu bệnh lây lan qua vụ sau, trồng hoa màu luân canh với cây lúa sẽ giúp hạn chế sự thoái hóa, bạc màu đất do sản xuất lúa liên tục, góp phần thích ứng với tình trạng BĐKH như hiện nay.

à Kế hoạch dịch chuyển đến năm 2020 là 85 ngàn ha (Giai đoạn 2013-2015 là 38,7 ngàn ha và 2016 – 2020 là 46,3 ngàn ha). Tuy nhiên, kế hoạch chuyển đổi còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt yêu cầu như mong muốn.

2.3. Kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2020 và 2021 tại tỉnh Phú Yên và vùng DHNTB

2.3.1. Kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2020 và 2021 vùng DHNTB

Diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2020 và 2021 của vùng DHNTB đạt 32.826 ha. Trong đó:

– Cây hằng năm: Diện tích chuyển đổi ước đạt 32.096 ha (cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngô, lạc, vừng, rau đậu các loại, …).

– Cây lâu năm: Diện tích chuyển đổi ước đạt 730 ha (cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ăn quả các loại, …).

– Nuôi trồng thủy sản: Diện tích chuyển đổi ước đạt 5 ha.

Bảng 4. Diện tích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa năm 2020 và 2021

Năm Diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa (ha)
Cây hằng năm Cây lâu năm Nuôi trồng thủy sản Tổng cộng
2020 15.973 213 5 16.186
2021 16.123 517 0 16.640
Tổng 32.096 730 5 32.826

(Nguồn: Cục Trồng trọt, 2021)

2.3.2. Hiệu quả kinh tế mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trong những năm qua tại tỉnh Phú Yên và vùng DHNTB

  1. Tỉnh Phú Yên

(1) Vụ ĐX 2016-2017: Kết quả mô hình chuyển đổi trồng lạc trên đất lúa

+ Diện tích: 2,3 ha; Giống sử dụng: L14; Số hộ tham gia: 11 hộ

+ Địa điểm: Xứ đồng Đồng Hòa – Hòa Quang Bắc – Phú Hòa – Phú Yên.

(2) Năm 2020 và 2021: Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang các cây trồng phù hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa bình quân gần 20 tr.đ/ha; trong đó: chuyển sang trồng ngô lai lợi nhuận 15 tr.đ/ha, tăng hơn so với trồng lúa là 5 tr.đ/ha; chuyển sang trồng lạc lợi nhuận 18 tr.đ/ha, tăng hơn so với trồng lúa là 8 tr.đ/ha; chuyển sang trồng cây rau, đậu thực phẩm lợi nhuận 35 tr.đ/ha, tăng hơn so với trồng lúa là 30 tr.đ/ha,… Tuy nhiên, do phần lớn diện tích đất trồng lúa thực hiện chuyển đổi là những diện tích thường xuyên thiếu nước hoặc ngập úng, phèn, mặn nên việc lựa chọn cây trồng có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp để chuyển đổi gặp khó khăn, việc chuyển đổi nhỏ lẻ, manh mún nên chưa thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị để tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng chuyển đổi dẫn đến hiệu quả chuyển đổi cây trồng bị giảm. (Nguồn: Cục Trồng trọt, tháng 10/2021).

(3) Kết hợp sử dụng phân bón chuyên dùng trong mô hình cây Lạc chuyển đổi

Bảng 5. Ảnh hưởng của phân bón NPK Mặt Trời Mới đến năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất lạc trong vụ ĐX 2020-2021 tại Phú Yên

TT Chỉ tiêu Phú Yên Trung bình Tăng/ giảm so Đ/c (%)
Đông Hòa Đồng Xuân
MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c
1 Số cây thực thu/ m2 (cây) 34 31 25 24 29,5 27,5
2 Số quả chắc/ cây (quả) 16 14 16 13 16,0 13,5 +18,5
3 Khối lượng 100 quả (g) 161 161 158 158 159,5 159,5
4 Tỷ lệ hạt/ quả (%) 73 71 70 66 71,5 68,5
5 Năng suất thực thu (tạ/ha) 32,9 26,2 31,8 24,8 32,4 25,5 +27,1

Ở ruộng mô hình sử dụng phân bón Mặt Trời Mới NPK 9-20-18+4MgO+TE với liều lượng NPK cân đối, hợp lý nên đáp ứng được các giai đoạn sinh trưởng phát triển của nên lạc cho năng suất cao hơn so với ruộng đối chứng khi bón phân NPK 20-20-15, DAP và KCl (bón thừa đạm, thiếu lân). Ngoài ra, MgO trong Phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng (NPK 9-20-18 + 4MgO + TE) cho cây trồng nói chung và cây Lạc nói riêng: (i) Là thành phần cấu tạo của clorofin, của các xantofin, caroten, do đó ảnh hưởng đến hoạt động quang hợp và tính chống chịu và chất lượng sản phẩm; (ii) Ảnh hưởng đến sự tạo thành gluxit, lipit, protit, …; (iii) Magiê làm tăng tính trương nước của tế bào do đó tăng tính giữ nước của tế bào giúp cho cây chống hạn, giữ được pH thích hợp trong cây giúp cây chịu được chua,… à MgO làm tăng hoạt động quang hợp, tăng năng suất, tính tính chống chịu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Như vậy, sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây lạc đã ảnh hưởng lớn đến số lượng quả chắc và tăng 18,5% so với ruộng đối chứng. Số cây thực thu cao hơn Đ/c 2 cây/m2, số quả chắc tăng 2,5 quả/cây (tương ứng tăng 18,5%), tỷ lệ hạt/quả đạt 71,5%. Từ đó năng suất khô bình quân trong mô hình đạt 32,4 tạ/ha (162 kg/sào), vượt hơn Đ/c 6,9 tạ/ha, tương ứng tăng bình quân 27,1%.

Bảng 6. Hiệu quả kinh tế của mô hình sử dụng Phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc trong vụ ĐX 2020-2021 tại Phú Yên (Tính cho 1 ha)

ĐVT: Triệu đồng

TT Chỉ tiêu Phú Yên Trung bình Tăng/ giảm so Đ/c (tr.đ; lần) % tăng giảm so Đ/c
Đông Hòa Đồng Xuân
MH Đ/c MH Đ/c MH Đ/c    
1 Tổng chi 44,8 46,9 37,0 37,5 40,9 42,2 -1,3 -3,2
2 Tổng thu 124,8 99,6 73,0 57.0 98,9 78,3 +20,7 +26,4
3 Lãi ròng 80,0 52,7 36,1 19,4 58,0 36,0 +22,0 +61,0
4 Lãi ròng tăng thêm so Đ/c 27,4 16,6 22,0 +22,0
5 Tỷ lệ lãi ròng tăng thêm (%) 52,0 85,6 68,8 +68,8
6 Tỷ suất lợi nhuận (lần) 1,79 1,12 0,98 0,52 1,38 0,82 0,56 68,4

– Tổng chi phí bình quân: Đối với ruộng sử dụng phân bón MTM NPK 9-20-18+4MgO+TE có mức tổng chi là 40,9 tr.đ/ha; ruộng Đ/c sử dụng phân đơn và NPK khác là 42,2 tr.đ/ha, tăng 1,3 tr.đ/ha. Như vậy, chi phí bình quân tại các mô hình giảm hơn Đ/c là 3,2%.

– Tổng thu bình quân: Với ruộng mô hình thu được 98,9 tr.đ/ha, ruộng Đ/c là 78,3 tr.đ/ha. Nhờ năng suất tăng nên tổng thu tăng thêm 20,7 tr.đ/ha

– Lãi bình quân: Với ruộng mô hình thì lãi ròng thu được từ 36,1-80,0 tr.đ/ha và lãi bình quân là 58,0 tr.đ/ha, ruộng Đ/c là 36,0 tr.đ/ha. Nhờ năng suất tăng 27,1% và chi phí giảm 3,2% nên lãi ròng bình quân tăng thêm 22,0 tr.đ/ha (tương ứng tăng 52,0-85,6%) và bình quân tỷ lệ tăng 68,8%.

(3) Mô hình trồng Ngô sinh khối làm thức ăn gia súc

Thời gian thu hoạch Ngô sinh khối vào giai đoạn ngô chín sáp có khối lượng riêng cao nhất, nên khi bán cây Ngô nông dân thu được giá trị lớn nhất, tức đầu ra cao. Chất lượng cây Ngô xanh khi thu hoạch vào giai đoạn chín sáp có dưỡng chất đầy đủ và cao nhất nên khi gia súc lớn sử dụng thức ăn này sẽ cho chất lượng thịt và sữa tốt nhất. Đây là hiệu quả ba bên gồm nong dân sản xuất Ngô sinh khối, người chăn nuôi (nông hộ, trang trại, doanh nghiệp) và người tiêu dùng sản phẩm thịt, sữa đều có lợi.

Trên các loại đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng Ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

Bảng 7. Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng Ngô sinh khối so với Ngô lấy hạt và sản xuất lúa tại Phú Yên từ 2016-2018 (tính cho 1 ha)

TT Hạng mục chi Năng suất (Tấn/ha) Đơn giá (tr.đ) Ngô sinh khối Ngô hạt (Đ/c1) SX lúa (Đ/c2)
1 Chi phí sản xuất     28,550 29,440 13,631
2 Tổng thu nhập     49,500 34,200 22,500
– Ngô sinh khối 55,00 0,900 49,500
– Ngô hạt 6,00 5,700 34,200
– Lúa (ruộng bấp bênh thiếu nước, gieo khô) tại Tuy An 3,75 6,000 22,500
3 Hiệu quả kinh tế          
– Lãi ròng (2-1) 20,950 4,760 5,119
– Thu nhập thuần (Lãi + Công LĐ) 30,050 13,l86 8,881
– Lãi ròng tăng/giảm (+/-) so Ngô sinh khối (tr.đ) -16,190 -15,831
– Tỷ lệ lãi so với Ngô sinh khối (%) 100,0 22,7 24,4

(Nguồn: Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ Phú Yên, 10/2020)

Trồng Ngô sinh khối làm thức ăn gia súc lãi gấp 4,4 lần so với trồng Ngô lấy hạt và 4,1 lần so với trồng lúa (trên ruộng lúa bấp bênh, thiếu nước). Ngô sinh khối làm thức ăn ủ chua cho gia súc thời gian từ gieo hạt à thu hoạch sớm, chỉ từ 75-90 ngày. Tùy theo giống, có thể trồng 03 vụ/năm hoạch trong khi trồng Ngô lấy hạt tối đa 2 vụ/năm. Ngô là cây ưa ẩm, tưới nước theo đợt không tốn nước trồng như trồng lúa. Mặt khác, trồng Ngô sinh khối có thời gian sinh trưởng trên ruộng ngắn hơn nên ít dùng thuốc BVTV để trị sâu, bệnh, vì thế chi phí đầu vào giảm, tăng hiệu quả sản xuất và bảo vệ được môi trường. (Bảng 7).

Lãi ròng cho 1.000 tấn nguyên liệu Ngô sinh khối là 131,5 triệu đồng, như vậy lãi ròng tăng thêm cho 1 ha trồng Ngô sinh khối là 7,233 tr.đ/ha/vụ và nếu sản xuất Ngô sinh khối theo chuỗi thì lãi ròng là 28,183 tr.đ/ha/vụ.

Trong thời gian tới tỉnh sẽ thực hiện nhiệm vụ: Tuyển chọn giống và hoàn thiện quy trình thâm canh Ngô sinh khối tại tỉnh Phú Yên, với yêu cầu năng suất sinh khối > 70 tấn/ha/vụ, hàm lượng chất khô 28-30%, hàm lượng protein >9%, tỷ lệ chất xơ 18-20% khối lượng chất khô, thì chắc chắc sản xuất Ngô sinh khối tại Phú Yên sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

* Ngoài ra, tỉnh còn rất nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa và mô hình nông nghiệp thích ứng với BĐKH (CSA) có hiệu quả đã được giới thiệu tại các cuộc Hội thảo, Hội nghị và trên các phương tiện thông tin.

  1. Tại tỉnh Khánh Hòa (để tham khảo)

(1) Mô hình Ngô trên đất lúa

Lãi ròng tăng thêm của so với trồng lúa ML202 của các giống CP333 và LVN61 đạt lần lượt là 4,850 tr.đ/ha và 5,920 tr.đ/ha (tương ứng tăng lần lượt 39,3% và 48,0%).

Bảng 9. Hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển đổi Ngô trên đất lúa (tính cho 1 ha)

Chỉ tiêu LVN10 (Đ/c 1) CP333 LVN61 Lúa ML202 (Đ/c 2)
1. Tổng doanh thu (tr.đ) 40,755 45,630 46,800 38,880
– Bình quân NSTT (tạ/ha) 62,7 70,2 72,0 64,8
– Giá bán (tr.đ/tạ) 6,500 6,500 6,500 6,000
2. Tổng chi phi đầu tư (tr.đ) 28,340 28,440 28,540 26,540
3. Hiệu quả kinh tế        
– Lãi ròng (tr.đ) 12,415 17,190 18,260 12,340
– Thu nhập thuần (tr.đ) 18,415 23,190 24,260 18,340
– Lãi ròng tăng/giảm (+/-) so Đ/c1 (tr.đ) +4,775 +5,845
– Lãi ròng tăng/giảm (+/-) so với trồng lúa Đ/c2 (tr.đ) +0,075 +4,850 +5,920
– Tỷ suất lãi so với đầu tư (lần) 0,44 0,60 0,64 0,46

(2) Mô hình Lạc trên đất lúa

Bảng 10. Hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển đổi Lạc trên đất lúa (tính cho 1 ha)

Tiêu chí đánh giá LDH.01 LDH.09 Lúa (Đ/c)
1. Tổng doanh thu (tr.đ/ha) 78,000 81,500 43,500
– Năng suất thực thu (tạ/ha) 31,2 32,6 75,0
– Giá bán (tr.đ/tạ) 2,500 2,500 0,580
2. Tổng chi phí đầu tư (tr.đ/ha) 51,200 51,200 25,000
3. Hiệu quả kinh tế      
– Lãi ròng (tr.đ/ha) 26,800 30,300 18,500
– Lãi ròng tăng thêm so với trồng lúa (tr.đ/ha) 8,300 11,800
– Tỷ lệ lãi ròng so với Đ/c (%) 144,9 163,8 100,0

Tổng doanh thu trồng giống lạc LDH.01 và LDH.09 dao động 78,0-81,5 tr.đ/ha, trong khi tổng doanh thu trồng lúa là 43,5 tr.đ/ha. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho trồng lạc là 51,2 tr.đ/ha, cao gấp 2 lần so với chi phí đầu tư cho cây lúa tại địa phương (25,0 tr.đ/ha). Thế nhưng, lãi ròng sản xuất lúa đạt 18,5 tr.đ/ha, thấp hơn so với sản xuất lạc trên cùng diện tích; lãi ròng sản xuất lạc theo mô hình dao động 26,8-30,3 tr.đ/ha. Do vậy, lãi ròng tăng thêm do sản xuất giống lạc LDH.01 và LDH.09 đối với trồng lúa đại trà lần lượt là 8,3 tr.đ/ha và 11,8 tr.đ/ha, tương ứng tỷ lệ lãi ròng tăng thêm từ 44,9-63,8% so với sản xuất lúa.

2.3.3. Một số tồn tại, hạn chế trong chuyển đổi cây trồng trên đất lúa

(1) Những tồn tại, hạn chế chung

+ Vùng chuyển đổi chưa gắn với kế hoạch chung.

+ Một số cây trồng chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thu sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ.

+ Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ mang tính bền vững.

+ Chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ.

+ Một số địa phương chưa nắm được cơ sở khoa học, chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao.

(2) Những tồn tại trong chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cần chú ý

+ Chưa xác định được cây ăn quả chủ lực của tỉnh hoặc đã xác định những phát triển mở rộng sản xuất còn gặp nhiều trở ngại.

+ Đối với kỹ thuật canh tác: Một số diện tích nông dân trồng với nguồn giống chưa đạt yêu cầu; Nông dân chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật canh tác cây ăn quả, thiếu kiến thức và phương tiện, trang thiết bị cho trồng cây ăn quả, dẫn đến chất lượng không cao, khó đạt vệ sinh an toàn thực phẩm (như: trồng mật độ quá dày để khai thác tối đa quỹ đất, sử dụng phân bón và chất kích thích quá nhiều để nâng tối đa năng suất, sử dụng thuốc BVTV quá liều lượng, nồng độ để phòng trừ dịch hại,…)

+ Sự liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lõng lẽo, người sản xuất chưa nắm bắt kịp thời tín hiệu thị trường nên giá cả bấp bênh, chưa ổn định.

+ Cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây ăn quả chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp. Trong khi đó, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Các địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, KHKT, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (chuỗi giá trị cây trồng).

2.3.4. Một số giải pháp trong việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa tỉnh Phú Yên

Để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, các địa phương cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như sau:
– Lựa chọn giống có TGST ngắn, năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu, bệnh, với những bất thuận của thời tiết, khí hậu,…

– Từng bước ứng dụng Nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH (CSA – Climate Smart Agriculture), Nông nghiệp tuần hoàn, Nông nghiệp hữu cơ, Nông nghiệp xanh, Nông nghiệp số (Nông nghiệp 4.0),… trong sản xuất nông nghiệp thích ứng tại tỉnh Phú Yên.
– Tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình BĐKH hiện nay.

– Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng.

– Kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất (chuỗi giá trị).    

– Từng bước ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa phù hợp với điều kiện đất đai Phú Yên.

– Hình thành một số cơ chế chính sách để khuyến khích công tác chuyển đổi (vốn, kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, thị trường, thông tin, tuyên truyền,…).

3. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

– BĐKH đã, đang và tiếp tục xảy ra khá nghiêm trọng tại nước ta. Người dân phải đối mặt và biết sống chung để khai thác những lợi thế so sánh để tồn tại và phát triển kinh tế.

– Hạn chế ảnh hưởng của BĐKH là công việc thường xuyên, lâu dài và phải được xã hội hóa. Giải pháp chung, cơ bản và lâu dài là sử dụng đất hợp lý, hiệu quả; khôi phục các vùng đất bị thoái hóa; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, giống cây trồng phù hợp cho vùng khô hạn, với vùng bị ngập do nước biển dâng cao; quản lý và phát triển nguồn tài nguyên nước, tài nguyên rừng …

– Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang cây trồng cạn (đậu đỗ, ngô, vừng, rau màu, …), cây ăn quả, cây công nghiệp, cây được liệu,… là tất yếu để thích ứng với BĐKH.

– Từng bước ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao, Nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH (CSA – Climate Smart Agriculture), Nông nghiệp tuần hoàn, Nông nghiệp hữu cơ, Nông nghiệp xanh, Nông nghiệp số (Nông nghiệp 4.0),… trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Phú Yên.

– Có nhiều giải pháp hạn chế ảnh hưởng của BĐKH như một số công trình nghiên cứu, thực nghiệm, xây dựng mô hình trình diễn của Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và một số dự án trong và ngoài nước đến nay bước đầu có kết quả tốt về kinh tế – xã hội và môi trường đang đươc nhiều địa phương trong vùng học tập và nhân rộng.

– Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc xả lũ và điều tiết nước của các công trình thủy điện, thủy lợi nhằm tránh thiệt hại đáng tiếc như những đợt xả lũ và không xả nước trong mùa khô như vài năm gần đây trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng./.

AGRICULTURE PRODUCTION & CLIMATE CHANGE – RESEARCH RESULTS, BUILDING MODEL FOR CHANGING THE CROP STRUCTURE FROM RICE LAND LACKING WATER, EFFICIENT IN PHU YEN – PROPOSED SOME PROBLEMS

Nguyen Thanh Phuong, PhD., Former Deputy Director, Agricultural Science Institute For Southern Coastal Central of Vietnam (ASISOV)

Pham Phu Hung, MSc., Director of Binh Dinh Agricultural Technical Materials Joint Stock Company (ATM)

Abstract: Changing the crop structure from rice land lacking water, inefficient to dry crops (peas, corn, sesame, vegetables, …), fruit trees, industrial plants, medicinal plants, … necessary to adapt to climate change. Step by step apply Hi-tech Agriculture, Climate Smart Agriculture (CSA), Circular Agriculture, Organic Agriculture, Green Agriculture, Digital Agriculture (Agriculture 4.0) ),… in agricultural production in Phu Yen province.

Keywords: Adaptation, climate change, crop restructuring, lacking water, inefficient rice land, Phu Yen province.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2011. TCVN 8641:2011-Công trình Thủy lợi kỹ thuật tưới tiêu nước cho cây lương thực và thực phẩm
  2. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), 2020. Báo cáo sơ kết SX trồng trọt vụ Hè Thu, vụ Mùa 2020; triển khai kế hoạch SX vụ ĐX 2020-2021 tại các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên. Cục Trồng trọt, ngày 23/10/2020 tại Nha Trang.
  3. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), 2021. Báo cáo sơ kết SX trồng trọt vụ Hè Thu, vụ Mùa 2011; triển khai kế hoạch SX vụ ĐX 2021-2022 tại các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên. Cục Trồng trọt, ngày 25/10/2021 họp online.
  4. Nguyễn Thanh Phương, Huỳnh Văn Xuân, Nguyễn Văn Dương và cs, 2018. Kết quả xây dựng mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu trên đất dốc và đất ngập lụt ven sông Kỳ Lộ thuộc xã Xuân Quang 2 và Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Thông tin KHCN Phú Yên, ISSN 2354-1180, Số 3/2018, trang 2-14.
  5. Nguyễn Thanh Phương, Phạm Phú Hưng và cs, 2021. Kết quả sử dụng phân bón NPK Mặt Trời Mới chuyên dùng cho cây lạc vụ Đông Xuân 2020 – 2021 tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ. http://phanbonmattroimoi.com/ket-qua-su-dung-phan-bon-npk-mat-troi-moi-chuyen-dung-cho-cay-lac-vu-dong-xuan-2020-2021-tai-vung-duyen-hai-nam-trung-bo/
  6. Nguyễn Thanh Phương, Phan Trần Việt, Đường Minh Mạnh, 2021. Kết quả XDMH ngô lai CP333 và LVN61 trên đất lúa tỉnh Khánh Hòa. Bản tin KHCN và Đổi mới sáng tạo Khánh Hòa, ISSN 2734-908X, Số 6/2021, trang 28-32.
  7. Tỉnh ủy Phú Yên, 2021. Về phát triển, ứng dụng KH, CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
  8. Trung tâm Ứng dụng KH và Chuyển giao Công nghệ Phú Yên, 2020. XDMH ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất ngô và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi bò trong các nông hộ và trang trại tại tỉnh Phú Yên. Báo cáo Tổng kết dự án (61 trang), 10/2020.
  9. Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB, 2016. Kỷ yếu 10 năm ngày thành lập Viện.
  10. Viện Nghiên cứu Ngô, 2021. Tuyển chọn giống và hoàn thiện quy trình thâm canh Ngô sinh khối tại tỉnh Phú Yên.

 

 

BÀI VIẾT QUA CÁC NĂM