Kết quả nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm nano trong trồng trọt và kết quả sản xuất, ứng dụng của phân bón có hàm lượng nano với nhãn hiệu Mặt Trời Mới
Kết quả nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm nano trong trồng trọt và kết quả sản xuất, ứng dụng của phân bón có hàm lượng nano với nhãn hiệu Mặt Trời Mới
TS. Nguyễn Thanh Phương1, KS. Nguyễn Văn Đạo2
1Nguyên PVT Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB (ASISOV),
2GĐ Kỹ thuật và Truyền thông – Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định (ATM).
Trên thế giới, một trong những biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng nói chung và ngô nói riêng là sử dụng nano của một số kim loại như sắt, đồng, kẽm, cô ban để ngâm tẩm hạt giống. Cơ chế tác động của nano là một điều khá mới mẽ, còn đang được khám phá. Tuy nhiên, những hiểu biết chung nhất có thể nói: Nano với kích thước vô cùng nhỏ bé, cỡ như một đoạn gen, khi xâm nhập vào tế bào hạt giống nó kích hoạt các quá trình sinh hóa lúc hạt nảy mầm, giúp cho hạt nảy mầm tốt hơn và tác động còn lưu truyền ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây ở các giai đoạn sau nhờ đó năng suất ngô tăng lên.
Ở Việt Nam, những nghiên cứu bước đầu của nhóm tác giả Nguyễn Hoài Châu và cộng sự (2014) tại Hà Nam cũng cho thấy hạt ngô được xử lý trước khi gieo bằng các dung dịch nano kim loại cây sinh trưởng phát triển tốt, năng suất sinh học cao hơn so với ruộng đối chứng không xử lý. Công thức hạt ngô được xử lý nano đồng (1,3 mg/kg hạt giống) cho kết quả tốt nhất, năng suất sinh học đạt 47,90 tấn/ha, cao hơn so với đối chứng không xử lý 33,3%. Với mục tiêu giúp cho cây ngô phát huy cao nhất tiềm năng năng suất đồng thời việc tiến hành xử lý chế phẩm nano cho cây giúp giảm chi phí đầu tư để tăng hiệu quả kinh tế.
Để có thể ứng dụng nano vào canh tác nâng cao năng suất cây trồng trong đó có ngô tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) nên Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB đã phối hợp với Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam) thực hiện đề tài nhánh “Nghiên cứu ứng dụng các hạt nano kim loại siêu phân tán vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng ngô tại vùng vùng Duyên hải Nam Trung bộ”, sau 4 năm nghiên cứu (01/2016 – 12/2019) đã có kết quả và thông tin như sau:
– Thành phần của chế phẩm được sử dụng trong thí nghiệm:
+ Chế phẩm nano xử lý hạt do Viện Công nghệ Môi trường (Viện CNMT) sản xuất có thành phần chính là: N, P, K, S, Ca, Fe, Cu, Zn, Mn, B, Mo, Se, NAA, GA3, axit humic, amino axit, nano SiO2, nano Chitosan, nano bạc (nano Ag).
+ Chế phẩm nano phun lên cây do Viện CNMT sản xuất có thành phần chính là N, P, K, Mg, S, Si, Fe, Cu, Zn, Mn, B, Mo, Se, Cytokinin, GA3, IAA, axit amin, Chitosan, Albi, nano Ag; hàm lượng các nguyên tố trên có thay đổi tùy theo các lần phun.
– Kết quả đạt được:
+ Khi kết hợp sử dụng nano bằng xử lý hạt và phun qua lá (xử lý hạt giống 5mg và phun qua lá 2.000mg) cho năng suất 7,40 tấn/ha và cao hơn đối chứng 19,9% (Đối chứng là không sử dụng nano bằng xử lý hạt và phun qua lá).
+ Khảo nghiệm diện hẹp quy trình giảm 20% phân bón theo Quy trình hiện hành thâm canh ngô (QTHH), xử lý nano ở diện hẹp trong vụ Hè thu năm 2019 tại Bình Định năng suất đạt 7,42 tấn/ha cao hơn đối chứng không xử lý nano là 10% và lãi thuần đạt 10,661 triệu đồng/ha và cao hơn đối chứng 13,6%.
+ Khảo nghiệm quy trình diện rộng vụ Đông xuân tại Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi năng suất trung bình của mô hình sử dụng quy trình giảm 20% phân bón theo QTHH, xử lý nano đạt từ 8,94 – 9,39 tấn/ha, cao hơn đối chứng mô hình sử dụng quy trình phân 100%, không sử dụng nano từ 2,8 – 3,8%. Lãi ròng đạt 20,740 triệu đồng/ha và cao hơn mô hình đối chứng là 17,8%. Tương tự đối với vụ Hè thu năng suất mô hình sử dụng quy trình giảm 20% phân bón theo QTHH và xử lý nano đạt từ 6,93 – 7,35 tấn/ha, cao hơn đối chứng mô hình sử dụng quy trình phân 100% và không sử dụng nano từ 1,0 – 2,3%. Lãi ròng đạt 8,428 triệu đồng/ha và cao hơn mô hình đối chứng là 26,5%. Như vậy, canh tác ngô ứng dụng sản phẩm nano kim loại cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ (giảm 20% lượng phân bón theo QTHH, xử lý nano) năng suất ngô cao hơn đối chứng 1,0 – 3,8% và lãi ròng cao hơn đối chứng 17,8 – 26,5%.
Từ đó, cho thấy vai trò của nano trong phân bón và chế phẩm xử lý hạt, phun qua lá đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế, đặc biệt giảm được 20% lượng phân bón có nghĩa là giảm được khí phát thải nhà kính.
* Chính vì lẽ đó mà trong những năm qua Nhà máy Phân bón Long Mỹ (Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định) với nhãn hiệu Phân bón Mặt trời mới đã sản xuất phân bón thông minh gồm Đạm xanh N+, Đạm vàng N+ và được tiêu thụ trên thị trường trong cả nước.
– Đạm xanh N+ với thành phần: Đạm (Nts) 46%; Nano Chitosan: 50ppm; Silic: 0,3%.
– Đạm vàng N+ với thành phần: Đạm (Nts) 46%; Nano Chitosan: 60ppm; Silic: 0,2%.
Các loại phân bón thông minh này đã được khảo nghiệm và xây dựng mô hình trình diễn trên cây lúa, cây màu, cây công nghiệp,… tại một số tỉnh thuộc vùng DHNTB và Tây Nguyên đã có kết quả tốt như:
Giúp cây sinh trưởng phát triển mạnh, tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế (Sử dụng Đạm xanh N+ trên cây lúa tại mô hình trình diễn tại Bình Định đã giảm 30% lượng Urê thông thường và 20% DAP và năng suất tăng từ 8-10%).
Đặc biệt giảm mất đạm do bốc hơi, giảm rửa trôi phân, tăng hiệu quả sử dụng phân bón từ đó đã giảm khí phát thải nhà kính, được nông dân các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên sử dụng và ưa chuộng./.
Tài liệu tham khảo
- Phạm Vũ Bảo, Hồ Huy Cường, Trương Công Cường, Nguyễn Thị Dung (2019), Kết quả nghiên cứu ứng dụng các hạt nano kim loại siêu phân tán vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng ngô tại vùng vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Báo cáo tổng kết đề tài, 69 trang.
- Báo Bình Định (2017), Sử dụng phân bón Đạm xanh N+ và DAP Mặt trời mới trên cây lúa: Giảm chí phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. http://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=84767
- Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định: Đạm xanh N+, Đạm vàng N+. http://phanbonmattroimoi.com/sanpham/page/2/
- Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định: Phân bón Mặt Trời Mới khơi dậy năng suất và chất lượng cây trồng. http://phanbonmattroimoi.com/video/phan-bon-mat-troi-moi-khoi-day-nang-suat-va-chat-luong-cay-trong/
- Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư Bình Định (2014), Hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh ngô lai.