Cần Thơ: Chuyển đổi sang trồng ớt nhằm thích ứng biến đổi khí hậu
Theo định hướng của Chính phủ và ngành Nông nghiệp, trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần có kế hoạch chuyển đổi cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL nhằm cho hiệu quả cao hơn.
Anh Vũ sử dụng giống ớt Trần Phong 131. Về chi phí, anh Vũ cho biết, chi phí cải tạo đồng ruộng, đầu tư máy bơm, phân bón và thuốc BVTV là 22 triệu/công. Tuy nhiên chỉ khoảng 12-14 tháng, ruộng ớt đã thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 45 ngày. Mỗi đợt thu hái kéo dài từ 1 tháng đến 1,5 tháng nếu chăm sóc tốt có thể thu tới 3,5 tấn/công. Do giá bán phụ thuộc thị trường, có thời điểm 7 – 8 nghìn đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm như năm 2017 lên 45 nghìn đồng/kg. Nhìn chung cứ tính giá trung bình thì lợi nhuận cho một công ớt khoảng 25-28 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.
Để thu hoạch ớt cứ 3 ngày anh phải thuê mướn công thu hái bằng tay. Đây là khâu tốn chi phí và chưa cơ giới hoá được. Mỗi ngày mỗi người có thể hái được 65-70 kg với giá 3,5 nghìn đồng/kg. Theo nông dân, công việc này cũng nhẹ nhàng hơn làm lúa nhiều.
Theo anh Vũ, chuyển đổi sang trồng ớt có lợi nhuận cao nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là đầu tư ban đầu để cải tạo đồng ruộng và mua sắm lắp đặt thiết bị; Thứ hai, ớt hay bị bệnh thán thư nên tốn thuốc phòng ngừa; Thứ ba, sản phẩm làm ra chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu vẫn bán cho thương lái thu mua theo giá thị trường nên không chủ động được. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các cơ sở thu mua, chế biến và tiêu thụ, nếu tổ chức và sản xuất có kế hoạch, qui hoạch và bao tiêu sản phẩm chắc chắn sẽ giúp người nông dân ĐBSCL chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả trong thời điểm biến đổi khí hậu.
Vũ Tiết Sơn (Trung tâm Khuyến nông quốc gia)