nayphimsex

Kỹ thuật chăm sóc cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao

google+

linkedin

Kỹ thuật chăm sóc cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao

DINH DƯỠNG VÀ PHÂN BÓN CHO CÂY CÀ PHÊ:

1. Nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê

    Cũng như các loại cây trồng khác, cây cà phê cần các chất dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển và cho năng suất. Các chất dinh dưỡng cây cần có thể chia thành 3 nhóm sau:

 – Đa lượng: là các chất dinh dưỡng cây cần với số lượng lớn, gồm: đạm (N), lân (P205), kali (K20).

 – Trung lượng: cây cần với số lượng trung bình, gồm: lưu huỳnh (S), can xi (CaO), Ma nhê (MgO).

 – Vi lượng: là chất dinh dưỡng cây cần với số lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu cũng gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và năng suất cà phê, gồm: kẽm (Zn), Bore (B), Mo lip đen (Mo), đồng (Cu)……

  Cà phê vối là cây lâu năm, nhu cầu dinh dưỡng của cây có thể chia thành 2 giai đoạn:

– Thời kỳ kiến thiết cơ bản: gồm 1 năm trồng mới và 2 năm kiến thiết cơ bản: thời kỳ này cây cần đạm và lân nhiều hơn kali. Có thể bón phân N,P205, K20 theo tỷ lệ 2-2-1.

– Thời kỳ kinh doanh: lúc cây cho thu hoạch nhiều, từ năm thứ ba trở đi. Thời kỳ này cây cà phê cần nhiều N và kali, lân cần với lượng ít hơn. Có thể bón N,P205, K20 theo tỷ lệ 2-1-2 hoặc 3-1-3 hoặc 3-1-2.

2. Hướng dẫn bón phân cho cà phê

2.1. Phân hữu cơ

Phân hữu cơ là loại phân tốt nhất cho cây trồng. Nó có các đặc tính mà phân hoá học không có được. Ngoài tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, phân hữu cơ còn cải tạo được lý, hoá, sinh tính đất tức là cải thiện được môi trường đất. Phân hữu cơ bao gồm phân chuồng, phân than bùn, phân rác, vỏ quả cà phê … nói chung là các vật liệu có nguồn gốc hữu cơ thông qua ủ và chế biến để tăng cường chất lượng.

Khi trồng mới bón lót phân hữu cơ với liều lượng 10-15 kg phân chuồng hoai/hố. Lượng phân chuồng này được trộn chung với 0,5 kg lân nung chảy và lớp đất mặt rồi lấp vào hố. Việc trộn phân lấp hố được thực hiện trước khi trồng mới nửa tháng.

Các năm kiến thiết cơ bản và kinh doanh thì cứ 2 – 3 năm bón phân hữu cơ lại 1 lần với liều lượng 20 – 30 m3/ha.

Phương pháp bón:

Đào rãnh ở mép bồn, đào hai rãnh hai bên tán, sâu 25 – 30cm rộng 30cm, bón phân hữu cơ kết hợp vùi tàn dư thực vật trên lô. Lần bón tiếp theo thay đổi vị trí bón ở 2 phía còn lại. Cũng có thể dùng tời để cày rạch hàng giữa hai hàng cà phê ở độ sâu 50cm, bỏ phân hữu cơ vào rãnh, cào hết lá rụng, tàn dư thực vật trên lô vào rãnh, lấp đất. Việc cày rạch hàng được thực hiện luân phiên nhau giữa các hàng cà phê.

Thời gian bón:

Bón phân chuồng vào đầu mùa mưa cho tới giữa mùa mưa.

Nếu không có phân chuồng có thể bón thay thế bằng phân hữu cơ chế biến với liều lượng 2 – 3 kg/gốc và bón hằng năm.

2.2. Phân hoá học

Lượng phân hóa học thay đổi theo tuổi cây, loại đất trồng, năng suất vườn cây.  Trên đất có độ phì trung bình áp dụng mức phân bón sau:

 – Cà phê trồng mới và các năm kiến thiết cơ bản

Nên dùng các loại phân NPK Mặt Trời Mới có thành phần N và P cao như 19-16-8+TE; 16-16-8+9S+TE;
20-20-15+TE; 20-15-8+TE; 17-14-7+TE

                             

– Cà phê kinh doanh:

+ Mùa khô nên bón các loại phân NPK hỗn hợp tan nhanh có công thức giàu đạm như 20-5-6+TE, 20-5-5-15S+TE hoặc các công thức có tỷ lệ tương tự để bón.

                                    

+ Mùa mưa chọn các loại phân NPK Mặt Trời Mới có thành phần N và K cao, lân thấp hơn như 19-9-19+TE;
15-8-18+TE; 14-7-17+TE; 18-6-18+TE; 16-8-16+9S +TE.

                   

Ví dụ có thể bón như sau

            Bảng 4: Liều lượng phân NPK hỗn hợp bón cho cà phê

Năm tuổi Mùa Khô Mùa mưa
Loại phân NPK Mặt Trời Mới Kg/ha/năm Loại phân NPK Mặt Trời Mới Kg/ha/năm
Trồng mới 19-9-19+TE;
15-8-18+TE; 14-7-17+TE;
18-6-18+TE; 16-8-16+3S+TE.
300-350
Năm 2 20-5-6 +TE 100-150 600-650
Năm 3 20-5-6 +TE 200-250 800-1000
Kinh doanh 
(4 tấn nhân/ha)
20-5-6 +TE 300-500 1800-2000
  • Ghi chú:

– Năm trồng mới: ngoài phân chuồng và phân lân bón lót khi trồng, lượng phân NPK ở bảng 5  được chia thành 2-3 lần để bón thúc sau trồng.

– Mùa khô: lượng phân mùa khô bón vào lần tưới nước thứ hai.

– Mùa mưa: chia làm  lần bón, lần đầu bón 30%, giữa mùa mưa bón 40% và cuối mùa mưa bón 30%.

Khi năng suất vượt 4 tấn nhân/ha, lượng phân bổ sung cho 1 tấn nhân bội thu là 400 – 450 kg NPK (16-8-16) /ha. Các lô năng suất cao trên 5 tấn có thể bón 4 lần trong mùa mưa.

Ngoài các loại phân bón đa lượng cần cung cấp thêm vi lượng cho vườn cà phê. Các chất vi lượng như bore và kẽm có tác dụng tăng năng suất cà phê ở nhiều vùng trồng cà phê trên thế giới cũng như ở nước ta. Vi lượng được phun qua lá thường hiệu quả hơn bón vào đất.

3. PHÒNG TRỪ SÂU, BÊNH HẠI TRÊN CÂY CÀ PHÊ

1. Sâu hại

1.1. Rệp vảy xanh (Coccus viridis), rệp vảy nâu (Saissetia hemisphaerica)

Các loại rệp này thường tập trung trên các bộ phận non của cây như: chồi vượt, cành, lá, quả non…để chích hút nhựa làm rụng lá, quả khiến cây bị kiệt sức và có thể gây chết cây. Rệp phát triển quanh năm nhưng phá hại mạnh trong mùa khô và trên cà phê KTCB. Các loại rệp này thường tiết ra chất mật ngọt, là môi trường thuận lợi cho nấm muội đen phát triển bao phủ trên mặt lá, cành và cả chùm quả góp phần hạn chế sự phát triển của các cơ quan này. Chất mật ngọt này cũng là thức ăn của kiến, do đó nơi nào có rệp là có kiến và kiến là nguồn lây lan của rệp. Kiến sẽ tha rệp từ nơi này sang nơi khác, kiến còn bảo vệ rệp khi bị thiên địch tấn công. Do đó nếu không có kiến rệp sẽ không phát triển được.

Biện pháp phòng trừ:

– Làm sạch cỏ trong lô, cắt bỏ các cành sát mặt đất để hạn chế sự phát tán của rệp thông qua kiến.

– Thường xuyên theo dõi sự gây hại của rệp trên đồng ruộng và chỉ phun những cây có rệp khi cần thiết. Dùng một trong các loại thuốc Ofatox 400 EC, Subatox 75EC, Marshal 200EC, Pyrinex 20EC nồng độ 0,2% …..để phun trừ rệp. Đối với cây bị rệp nhiều nên phun 02 lần cách nhau 7-10 ngày.

1.2. Rệp sáp hại quả (Pseudococus sp.)

Đây cũng là đối tượng rất khó phòng trị. Trên cây cà phê, rệp sáp gây hại chủ yếu trên quả và dưới rễ.

Trên quả, rệp sáp sống chủ yếu giữa các chùm quả, chích hút cuống quả và quả non làm quả khô và rụng. Sáp của rệp có thể bao phủ cả cành và quả cà phê làm các bộ phận này không thể phát triển được. Ngoài ra lớp sáp này còn ngăn cản không cho thuốc tiếp xúc với rệp gây khó khăn trong việc phun thuốc phòng trừ. Cũng như rệp vẩy xanh và vẩy nâu, đi đôi với rệp sáp là nấm muội đen và kiến.

Rệp sáp hại quả thường xuất hiện từ sau khi ra hoa cho đến hết thu hoạch. Rệp sáp hại quả gây hại nặng trong các tháng mùa khô và đầu mùa mưa, đặc biệt là thời gian có các giai đoạn mưa nắng xen kẻ nhau. Số lượng rệp giảm hẳn giữa mùa mưa do mưa nhiều, ẩm độ không khí quá cao. Sau khi thu hoạch quả, rệp chuyển sang sống trong các cụm hoa chưa nở ở đầu cành và đẻ trứng ở đó , các trứng này sẽ nở thành rệp con sau khi cây được tưới nước và gây hại ngay từ giai đoạn đậu quả non.

 Vòng đời rệp sáp: 30- 40  ngày, một con trưởng thành trong vòng đời có thể đẻ 500 trứng. Giai đoạn từ trứng đến sâu non chỉ từ 5 – 7 ngày.

Biện pháp phòng trừ:

Đối với những vùng đã bị rệp sáp hại quả gây hại nặng trong vụ thu hoạch trước cần tiến hành phun thuốc hóa học ngay sau khi thu hoạch và cắt cành để diệt trứng rệp trong cuống các mầm hoa chưa nở. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc  sau: Selecron 500 EC (0,2% – 0,3%), Bull Star 265.2 EC (0,2% – 0,3%), Admire 200 OD (0,1%) …. phun 1 – 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày. Sau đó cần phải theo dõi liên tục sự xuất hiện của rệp trên đồng ruộng để tiếp tục phun thuốc khi cần. Chú ý chỉ phun các cây có rệp và phun thật kỹ các chùm quả.

1.3. Rệp sáp hại rễ (Pseuducoccus citri)

Rệp thường tập trung ở phần cổ rễ nhưng khi mật độ lên cao rệp lan dần xuống rễ ngang, rễ tơ và kết hợp với nấm hình thành các măng-xông bao quanh các rễ ngăn cản thuốc trừ sâu tiếp xúc với rệp. Các vết thương hình thành do rệp chích hút tạo điều kiện cho nấm xâm nhập gây nên bệnh thối rễ. Kiến và nước chảy tràn là 2 tác nhân chính trong việc lây lan của rệp.

Biện pháp phòng trừ:

Thường xuyên kiểm tra tại gốc cà phê, nếu thấy mật độ lên cao (30-50 con/gốc ở vùng cổ rễ sâu 10cm) thì tiến hành xử lý thuốc như sau: Bới đất chung quanh vùng cổ rễ theo dạng hình phễu cách gốc 10cm, sâu 10cm sau đó dùng một trong các loại thuốc dạng nước như Bi 58 40EC, 50EC, Basudin 50EC/ND, Subatox 75EC với nồng độ 0,2% cộng thêm 1% dầu hỏa tưới cho mỗi gốc 0,5-1lít dung dịch và lấp đất lại. Có thể thay thế các loại thuốc nước bằng cách dùng một trong các loại thuốc dạng bột hay hạt như Marshal 5G, Bam 50ND, 5H, 5BR, Sumithion 50ND, Basudin 10H, … Với lượng 20-40gam/gốc tùy theo cây nhỏ hay lớn. Xử lý rệp sáp hại rễ thì đất phải đủ ẩm mới phát huy tác dụng.

Chú ý là khi bới gốc cần xử lý ngay tránh để lâu kiến sẽ mang rệp đi nơi khác và chỉ xử lý cục bộ theo vùng cây bị hại.

1.4. Mọt đục cành (Xyleborus morstatti)

Mọt trưởng thành là bọ cánh cứng hình bầu dục, rất nhỏ gần bằng đầu kim găm. Mọt phát triển mạnh vào các tháng đầu mùa khô và tập trung phá hại trên các cành tơ, bắt đầu phá hại từ tháng 9, 10, đạt đỉnh cao vào tháng 12, 1. Mọt đục một lỗ nhỏ bên dưới cành tơ hay bên hông các chồi vượt làm thành một tổ rỗng và đẻ trứng vào đó. Cành bị đục khô héo dần và chết

Có 3 giai đoạn khi cành bị mọt đục:  

  + Các vẩy bao hình tam giác ở các đốt của cành đen lại, kèm theo sự rụng vài cặp lá ở gần lỗ đục về phía đầu cành. Giai đoạn này có 86% mọt còn ở trong tổ rỗng.

 + Cành có hiện tượng héo, trên cành chỉ còn vài cặp lá ở phía đầu. Có 70% mọt còn ở lại trong tổ.

 + Cành héo khô và chết. Ở giai đoạn ba có 76% mọt đã bay ra sau khi vũ hóa.

Do đó cắt cành bị mọt đục muộn, việc phòng trừ mọt đục cành kém hiệu quả.

Biện pháp phòng trừ

Hiện nay chưa có loại thuốc nào phòng trừ triệt để mọt đục cành. Biện pháp duy nhất hiện nay là phát hiện sớm và cắt đốt các cành bị mọt vào giai đoạn cành vừa có hiện tượng héo. Nên cắt phía trong lỗ đục 2cm và đốt các cành bị mọt để diệt mọt.

Cần phải phát hiện sớm vì khi cây đã bị mọt hại nặng, khi cành đã khô và chết thì biện pháp cắt cành cũng không mang lại hiệu quả cao.

1.5. Mọt đục quả (Stephanoderes hampei)

Mọt gây hại chủ yếu trên các quả xanh già (khi nhân đã cứng), quả chín trên cây và có khả năng phát triển trong quả khô còn sót trên cây, dưới đất. Mọt còn có thể phá hại trong các quả và nhân khô trong khi đo độ ẩm của hạt cao hơn 13%. Mọt thường đục 1 lỗ  tròn nhỏ cạnh núm hay giữa núm quả để chui vào trong nhân, đục phôi nhũ tạo thành các rãnh nhỏ để đẻ trứng. Sâu non ăn phôi nhũ hạt. Thường mọt chỉ phá hoại một nhân nhưng khi số lượng mọt tăng thì phá hại luôn nhân còn lại, thường thấy ở những quả cuối vụ thu hoạch và giữa 2 vụ thu hoạch.

Biện pháp phòng trừ

– Vệ sinh đồng ruộng, thu hoạch kịp thời các quả chín trên cây và phải nhặt hết các quả khô dưới đất, còn sót trên cây để cắt đứt sự lan truyền của mọt.

– Bảo quản quả khô hay nhân ở độ ẩm dưới 13% (sau thu hoạch).

2. Bệnh hại cà phê

2.1. Bệnh gỉ sắt (Hemileia vastatrix)

Bệnh do nấm Hemileia vastatrix gây nên. Bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa mưa và phát triển mạnh nhất vào cuối mùa mưa. Tác hại của bệnh là làm rụng lá, làm cho cây suy yếu, năng suất thấp. Nếu bị nặng cây có thể bị chết.

Biện pháp phòng trừ:

– Sử dụng dòng cà phê kháng bệnh đã được công nhận như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8…

– Ghép chồi để thay thế các cây bị rỉ sắt nặng.

– Sử dụng một trong các loại thuốc thuốc sinh học như: Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP), Trichoderma spp +  K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1 (Fulhumaxin 6.15 SC).         

– Phun một trong các loại thuốc hóa học để phòng trừ bệnh như:   Anvil 5 SC hay Tilt Super 300 EC nồng độ 0,1 %, Sumi – Eight 12.5 WP nồng độ 0,1 %….

Chỉ phun cho các cây bị bệnh nặng.

2.2. Bệnh khô cành, khô quả

Bệnh có nguyên nhân do mất cân đối dinh dưỡng hay bị nấm Colletotrichum coffeanum gây nên. Bệnh gây hại chủ yếu trên cành, quả, làm khô cành và rụng quả. Các vết bệnh do nấm gây ra ban đầu có màu nâu vàng sau đó lan rộng và chuyển sang màu nâu sẫm, các vết bệnh thường lõm sâu xuống so với các phần không bị bệnh.

Biện pháp phòng trừ:

– Trồng cây che bóng hợp lý và bón phân cân đối để hạn chế tình trạng cây bị kiệt sức do ra quả quá nhiều. Cắt bỏ các cành bệnh.

– Có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây để phòng trừ nấm gây khô cành, khô quả: Champion DP, Carbenzim 500FL, Tilt 250EC/ND, Bumper 250EC…. nồng độ theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất. Phun vào đầu mùa bệnh (sau khi có mưa 1-2 tháng, phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.

2.3. Bệnh nấm hồng

Bệnh do nấm Corticum salmonicolor gây nên. Gây hại trên quả và cành. Vị trí tác hại chủ yếu ở trên cành phần trên của tán, gần nơi phân cành và phần ngọn của cây. Bệnh thường phát sinh trong các tháng cuối mùa mưa, nhất là những đợt mưa dầm, ẩm độ không khí cao.

Đầu tiên trên quả hay cành xuất hiện những chấm rất nhỏ màu trắng giống như bụi phấn. Những chấm này nhiều lên tạo thành một lớp phấn mỏng sau này có màu hồng đó là bào tử của nấm. Nếu xuất hiện ở cành thì thường nằm ở mặt dưới cành, nếu ở quả thường từ cuống quả. Vết bệnh phát triển chạy dọc theo cành và lan dần cả quả làm cành bị chết khô, quả thì héo và rụng non.

Biện pháp phòng trừ

– Tạo hình thông thoáng cho vườn cây

– Thường xuyên kiểm tra vườn cây nhất là những năm có mưa nhiều để phát hiện bệnh sớm. Sau đó cắt, đốt các cành bệnh.

– Nếu bệnh xuất hiện phổ biến trên đồng ruộng có thể phun Validacine 5SC, 5SP nồng độ 2% hay Anvil 5SC nồng độ 0,2%, phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.  Nên phun lúc chưa xuất hiện nấm màu hồng.

2.4. Đốm mắt cua (Cercospora coffeicola)

Bệnh gây hại trên lá, quả và cành. Cây bị bệnh nặng thường cằn cỗi, chậm phát triển, lá vàng và rụng, quả vàng và chín ép.

 Vết bệnh trên lá và quả thường có hình tròn, trong có nhiều vòng đồng tâm, chính giữa màu xám có các chấm đen nhỏ, xung quanh nâu đỏ, ngoài cùng vàng. Trên cành, vết bệnh chạy dọc theo chiều dài cành. Quả bị nấm gây hại nặng có thể bị thối đen từng phần hoặc toàn bộ.

Bệnh xuất hiện phổ biến trong vườn ươm và thời gian kiến thiết cơ bản. Bệnh phát triển quanh năm đặc biệt là trên các vườn chăm sóc kém, thiếu phân bón hoặc trồng trên đất xấu.

Biện pháp phòng trừ:

Để phòng trừ cần chú trọng việc bón phân cân đối, tích cực chăm sóc để để vườn cây phát triển tốt. Trong trường hợp quá năng có thể phun Anvil 5 SC (0.2%),

Tilt super 250 EC (0.1%), Bumper 250EC (0,1%) 2- 3 lần cách nhau 15 ngày.

2.5. Các bệnh cháy lá (Colletotrichum gloesporioides,  Pestalozzia coffeicola, Ascochyta coffea,
Phoma coffeicola)

Thường gây hại trong mùa mưa. Hiện nay trên cà phê có rất nhiều dạng cháy lá nhưng nhìn chung đều có cùng một tác hại là làm lá rụng, nếu nặng dẫn đến khô cành, rụng quả. Tuy nhiên các triệu chứng này ít phổ biến trên đồng ruộng và mức độ thiệt hại cũng không cao.

Có thể phòng trừ bằng cách phun Anvil 5 SC (0.2%), Tilt super 250 EC (0.1%), Bumper 250EC (0,1%) 2- 3 lần cách nhau 15 ngày khi thấy có triệu chứng cháy lá.

2.6. Thối nứt thân (Fusarium spp.)

Bệnh xuất hiện trên vườn kiến thiết cơ bản lẫn kinh doanh, thường xuất hiện trên đoạn thân đã hóa gỗ. Bệnh làm nứt và thối đen lớp vỏ ngoài của thân cây, nếu bị nặng thì lớp gỗ phía trong bị khô dẫn đến hiện tượng tắc mạch, cây thiếu nước nên héo và khô từ đầu ngọn xuống. Vết bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của thân cây nhưng thường ở đoạn giữa và gần gốc cây. Bệnh phát triển và lây lan nhanh.

Bệnh do nấm Fusarium spp. gây ra. Đây là loài nấm gây bệnh tắc mạch dẫn và gây chết rất nhanh.

Bệnh thường xảy ra ở những vườn cây không thông thoáng, ẩm thấp hay những năm mưa nhiều, ẩm độ không khí cao.

Biện pháp phòng trừ

Cần phát hiện bệnh sớm khi thân cây vừa bị nứt hoặc có vết thối đen nhỏ. Dùng dao cạo sạch phần vỏ thân bị bệnh, sau đó quét Ridomil Gold 68 WP (0,3%),  hay Viben C 50 BTN (0.3%), hay Bendazol 50 WP (0,3%) hay Manzate 80WP (0,3%). Nếu cây đã bị khô ngọn cần cưa ngang và đốt bỏ phần bệnh, quét thuốc lên trên mặt thân bị cưa và nuôi chồi mới. Các cây xung quanh cây bệnh dùng một trong các loại thuốc trên phun nhiều lần để phòng ngừa bệnh lây lan.

2.7. Bệnh lỡ cổ rễ

Bệnh thường gây hại trên cây con vườn ươm, cây trong thời kỳ KTCB. Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây nên. Phần cổ rễ bị thối khô hay bị thối một phần khiến cây sinh trưởng chậm, lá bị vàng có thể dẫn đến chết cây.

Biện pháp phòng trừ:

Trong vườn ương không để bầu đất quá ẩm hay bị đóng váng trên mặt bầu, điều chỉnh ánh sáng thích hợp. Nhổ bỏ và đốt các cây bị bệnh, các cây chung quanh phải được phun phòng bằng Ridomil Gold 68 WP (0,3%), hay Bendazol 50WP nồng độ 0,2%.

Trên vườn cây đã trồng ngoài đồng ruộng không để đọng nước trong gốc cà phê. Khi làm cỏ, chăm sóc tránh gây vết thương ở vùng cổ rễ. Nhổ bỏ và đốt các cây bị bệnh nặng, các cây bệnh nhẹ có thể cứu chữa bằng cách tưới vào mỗi gốc 1-2 lít dung dịch Benlat C 50WP nồng độ 0,5% hoặc Ridomil Gold 68 WP (0,3%) Validacin 3SC, 5SC, 5SP nồng độ 3%, tưới 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.

2.8. Bệnh vàng lá thối rễ

Bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng (Pratylenchus coffeae, Pratylenchus spp., Meloidogyne spp.) và nấm hại rễ (Furasium  spp.) gây hại.

Trên cà phê kiến thiết cơ bản cây có triệu chứng vàng lá, thối rễ cọc, cây thường bị nghiêng trong mùa mưa và rất dễ nhổ lên bằng tay. Trên cà phê đã cho quả, cây sinh trưởng chậm, có ít cành thứ cấp, lá chuyển sang màu vàng, rễ tơ bị thối.

Biện pháp phòng trừ:

– Làm đất: sau khi nhổ bỏ cây cà phê già cỗi phải cày rà rễ, thu gom và tiêu hủy.

– Thực hiện nghiêm túc chế độ luân canh cây trồng. Luân canh cây phân xanh, cây đậu đỗ 2 – 3 năm trước khi trồng lại cà phê trên vườn cà phê cũ.

– Không sử dụng đất có nguồn tuyến trùng để ươm cây.

– Lựa chọn cây giống sinh trưởng khỏe không bị bệnh.

– Thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện kịp thời: đào, đốt cây bị bệnh. Cây quanh vùng bệnh có thể dùng thuốc phòng tuyến trùng như Tervigo, Vimoca, Mocap, Oncol, Marshal…..kết hợp với một trong những loại thuốc trừ nấm sau: Ridomil Gold, Viben C, Bendazol…..nồng độ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Bón phân đầy đủ, cân đối đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ, phân bón lá nhất là đối với các vườn liên tục cho năng suất cao.

– Sử dụng các chế phẩm sinh học như Palila 500 WP, Oligo – Chitosan, Geno 2005 2 SL….. hạn chế sự  phát triển của tuyến trùng. Đồng thời sử dụng các chế phẩm có nấm đối kháng Trichoderma để phòng trừ nấm.

– Hạn chế xới xáo trong vườn cây bị bệnh để tránh làm tổn thương bộ rễ.

– Không sử dụng biện pháp tưới tràn.

– Khi phát hiện cây bệnh, tiến hành xử lý cây bệnh và các cây xung quanh vùng bệnh dùng bằng thuốc tuyến trùng kết hợp với thuốc trừ nấm. Tưới 2 lần cách nhau 15 ngày để phòng và cô lập nguồn bệnh. Việc tưới thuốc nên thực hiện trong mùa mưa (tốt nhất vào đầu mùa mưa trong tháng 4 đến tháng 5) khi đất có đủ độ ẩm.

BÀI VIẾT QUA CÁC NĂM